Chỉ đồng ý hoãn trình dự án sửa đổi Luật Đất đai 1 kỳ họp

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. Các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 10, sáng nay 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chỉ đồng ý hoãn trình dự án sửa đổi Luật Đất đai 1 kỳ họp ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, bên cạnh những mặt được, công tác này còn một số hạn chế như còn có dự án luật phải xin lùi thời hạn trình; một số dự án chưa bảo đảm chất lượng, được Quốc hội, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý và báo cáo lại.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án được dư luận đặc biệt quan tâm - Chính phủ tiếp tục đề nghị lùi thời hạn trình đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. “Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Phản hồi đề xuất này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn: “Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ 4. Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này”. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.
Chỉ đồng ý hoãn trình dự án sửa đổi Luật Đất đai 1 kỳ họp ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: "Dự án Luật Đất đai đã lùi thời hạn trình đến lần thứ 4"

Đối với việc điều chỉnh chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, chỉ trình bổ sung những dự án là kết quả của việc nghiên cứu, rà soát theo nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong đề án định hướng. Đối với những dự án khác, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn phát sinh, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết, kết luận mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện cam kết quốc tế hoặc dự án có ý nghĩa then chốt, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ lưu ý tích hợp các đề nghị điều chỉnh chương trình, tránh tình trạng có nhiều tờ trình đề nghị điều chỉnh sát ngày nhau như thời gian qua.

Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 theo đề nghị của Chính phủ:

a) Tại kỳ họp thứ 5

- Chương trình thông qua: dự kiến 9 dự án, là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

- Chương trình cho ý kiến: dự kiến có 4 dự án là: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp.

b) Tại kỳ họp thứ 6

- Chương trình thông qua: dự kiến 4 dự án, là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

- Chương trình cho ý kiến: dự kiến 2 dự án là: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022 đối với 17 dự án, cụ thể như sau:

a) Điều chỉnh tên gọi dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

b) Tại kỳ họp thứ 3

- Bổ sung vào chương trình 3 dự án, dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (dự án này, UBTVQH đã cho ý kiến) và 2 dự thảo nghị quyết (Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa).

- Bổ sung vào chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (các dự án này, UBTVQH đã cho ý kiến).

- Đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.

c) Tại kỳ họp thứ 4

- Bổ sung vào chương trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

- Bổ sung vào chương trình thông qua 3 dự án (như trên đã báo cáo được bổ sung vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến kỳ họp thứ 3), gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Bổ sung vào chương trình cho ý kiến đối với 8 dự án, gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Tin cùng chuyên mục