Chỉ cấp cơ sở mới cần thực hiện dân chủ?

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 2-3, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi: Phải chăng chỉ cấp cơ sở mới cần thực hiện dân chủ?

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị làm rõ khái niệm “cơ sở”. Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần phân biệt giữa “hành chính cơ sở” và “dân chủ cơ sở”. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, dân chủ cơ sở ở đây không chỉ là dân chủ ở cấp xã phường, mà ở cấp trung ương, cấp tỉnh cấp huyện cũng cần có “dân chủ ở cơ sở”.

Trong khi đó, Luật sư Tô Văn Chung đề nghị đổi tên dự thảo Luật thành “Luật Thực hiện dân chủ” để bao quát tất cả các đơn vị hành chính, các tổ chức.

Theo Luật sư Tô Văn Chung, Hiến pháp 2013 không quy định cấp xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở. Từ điển Tiếng Việt thì giải thích, cơ sở là đơn vị ở cấp cuối cùng, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động của một tổ chức, trong quan hệ với các bộ phận lãnh đạo cấp trên.

Từ đó, Luật sư Chung đặt câu hỏi: “Nếu tên của Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, vậy những đơn vị cấp trên cơ sở thì có thực hiện dân chủ không?”

Các đại biểu cũng góp ý về tính khả thi của dự thảo luật. Cụ thể, điều 27 quy định tổ chức đối thoại, lấy ý kiến trong trường hợp UBND cấp xã ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành. Có đại biểu đặt câu hỏi: Vậy nếu đối thoại mà người dân không đồng tình, thì có tiếp tục thực hiện quyết định hành chính này không?

Cũng bàn về điều luật này, Luật sư Trương Thị Hòa thẳng thắn: “Dự thảo Luật đọc lên rất hay nhưng tôi chưa thấy tính khả thi, nguồn lực nào để thực hiện, mà trước hết là nguồn lực con người như thế nào”.

Dự thảo luật định nghĩa “cộng đồng dân cư là nhóm người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản…”. Vậy với những cộng đồng người nước ngoài sinh sống rất đông trên một địa bàn, như ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thì có được tính là cộng đồng dân cư hay không?

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là cán bộ MTTQ cấp huyện, cấp xã đã nêu thêm nhiều thực tế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có đại biểu nêu vấn đề sinh hoạt tổ dân phố hiện nay rất đáng lo ngại. Tổ trưởng phải rất vất vả mới kêu được gần 50% số hộ dự.

“Ở địa phương tôi, mỗi quý sinh hoạt một lần là tốt lắm rồi. Cho nên, nếu quy định phải tổ chức cuộc họp cử tri, thì khó mà thực hiện được, áp lực rất lớn”, đại biểu này nói.

Chỉ cấp cơ sở mới cần thực hiện dân chủ? ảnh 2 Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở. Ảnh: MAI HOA

Trước đó, phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung cho biết, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đem lại nhiều thay đổi tích cực trong đời sống chính trị xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy các quy định về dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là hình thức niêm yết, công khai quy định trong Pháp lệnh số 34/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn còn đơn giản, không còn phù hợp trong điều kiện khoa học – kỹ thuật tiến bộ và điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.

Bên cạnh đó, nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã.

Trách nhiệm và các biện pháp cụ thể xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn chưa được quy định tại Pháp lệnh số 34.

Quy định pháp luật hiện hành sơ sài về tính chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Tin cùng chuyên mục