Chênh vênh giải thưởng văn chương

Sau lần trao giải thứ 7, giải thưởng Văn học tuổi 20 bất ngờ tạm dừng, dự kiến sẽ được khởi động lại vào năm 2026. Đây là thông tin gây tiếc nuối cho không ít người quan tâm đến văn chương.  

Động lực cho sáng tạo

Được khởi động từ năm 1994, qua 7 lần tổ chức, giải thưởng Văn học tuổi 20 đã vinh danh gần 60 tác giả và trao thưởng cho 70 tác phẩm. Từ giải thưởng này, những cái tên như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh… tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo. 

Giải Dế Mèn, một trong những giải thưởng văn chương hiếm hoi hiện nay có tính xã hội hóa, vừa tiến hành trao giải lần thứ 3
Từng đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần thứ 4, nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng, giải thưởng giúp chị có thể bắt nhịp với độc giả nhanh, hiệu quả sau quá trình mày mò, tìm lối đi cho mình. “Giải thưởng là một bệ phóng rất tốt, nhưng cũng là thử thách đối với những người viết trẻ. Có thể chất lượng tác phẩm trong thời gian gần đây cũng là yếu tố khiến ban tổ chức phải cân nhắc việc dừng lại hay tiếp tục. Tôi nghĩ, dừng lại lúc này là hợp lý, để có thời gian chuẩn bị và mang đến một sinh khí mới”, nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ.

Văn học tuổi 20 không phải là giải thưởng văn chương đầu tiên phải tạm dừng và khiến nhiều người nuối tiếc. Hơn 10 năm trước, nhiều giải thưởng như giải thơ Lá Trầu, giải thơ Bách Việt, giải tiểu thuyết Bách Việt… dù rất được kỳ vọng nhưng chỉ qua một, hai lần trao giải đã phải dừng lại. Cùng với đó, một số giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi, dù diễn ra lâu năm như cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” của NXB Trẻ, cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức, cũng chung số phận. 

Đương nhiên, không có giải thưởng thì các nhà văn vẫn viết nếu có đủ đam mê và tài năng. Có điều, giải thưởng đôi khi cũng tạo ra chất xúc tác và động lực cho hành trình sáng tạo đầy mệt nhọc của những người cầm bút. Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang cho biết: “Gần đây, tôi đọc một cuốn sách về Haruki Murakami của Jay Rubin, dịch giả ruột của Murakami. Trong đó, ông nhắc chuyện Murakami bắt đầu văn nghiệp bằng việc gửi tác phẩm đầu tay tham gia cuộc thi do Tạp chí Gunzo tổ chức, việc đoạt giải thưởng này đã góp phần thúc đẩy Murakami tiếp tục con đường văn chương”. 

Có nên xã hội hóa giải thưởng?

Nhiều giải thưởng văn chương phải dừng lại, nhưng đồng thời cũng có nhiều giải thưởng mới được khai sinh. Chẳng hạn mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam vừa phát động cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi - diễn ra trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5-2025). Trường Đại học KHXH-NV TPHCM cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề án “Giải thưởng văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM”. Hay một số giải thưởng đã tổ chức trao giải thưởng từ 1-3 lần - như giải Dế Mèn, giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. 

Trên thế giới, có một số giải thưởng dành cho văn chương mà chúng ta có thể học hỏi cách làm - như Nobel, Booker, Pulitzer, Goncourt, Interallié, Femina... Đây đều là những giải thưởng có thời gian lâu năm, nhiều người biết đến, trở thành thương hiệu bảo chứng cho các tác phẩm văn học. Nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng, trong các cuộc thi, nhất là các cuộc thi lớn, độc giả sẽ có tâm lý chờ đợi và kỳ vọng nhiều vào chất lượng tác phẩm. “Vấn đề ở đây không phải là mình sáng tạo ra cách tổ chức như thế nào, mà quan trọng là chất lượng tác phẩm, uy tín của ban giám khảo trong quá trình thẩm định tác phẩm mới đem lại cho độc giả niềm tin về giải thưởng”, nhà văn Võ Diệu Thanh bày tỏ. 

Một yếu tố quan trọng không kém trong việc giúp các giải thưởng văn chương có thể đi được đường dài chính là chi phí. Tiền để trao giải đã rõ, tiền còn dùng trang trải cho các hoạt động tổ chức, đôi khi còn để in sách như giải thưởng Văn học tuổi 20. Có điều, khi “túi mỏng”, liệu có nên xã hội hóa giải thưởng?

Dù là năm đầu tiên tổ chức, nhưng giải thưởng Tác giả trẻ ít nhiều gây ngạc nhiên và háo hức khi trao cho cả 4 thể loại: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và dịch thuật. Tiền thưởng cho mỗi tác phẩm được giải là 30 triệu đồng. Có được điều này là nhờ giải có sự đồng hành của một tập đoàn sản xuất ô tô trong nước. Ở năm thứ 3, giải Dế Mèn cũng được một nhóm nhà tài trợ đồng ý tài trợ trong 5 năm, mỗi năm 100 triệu đồng. 

Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng ban Tổ chức giải Dế Mèn, cho biết: “Tôi không dám nói có nên xã hội hóa giải thưởng hay không, bởi vì việc này có nhiều vấn đề đằng sau. Với riêng giải Dế Mèn, tôi nghĩ rằng, có nhiều người đồng hành sẽ giúp giải được lan tỏa sâu rộng hơn”.

Tin cùng chuyên mục