“Check in” phản cảm

Không ít lần đi xem phim, chúng tôi khá khó chịu khi góc chụp hình “check in” bên ngoài rạp luôn đông kín người, muốn chụp hình thì phải chờ, mà chờ lâu quá thì tới giờ chiếu phim. 1m2, 4 - 5 bạn trẻ thi nhau tạo dáng; poster hay mô hình nhân vật trong các phim đang chiếu, liên tục được các bạn thi nhau khai thác hết mọi góc cạnh… 

Nhiều người muốn chụp hình phải đủ kiên nhẫn mà chờ, hoặc phải nhanh tay lẹ chân, góc nào có người vừa rời đi thì nhảy vô liền và người chụp giùm phải sẵn sàng máy ảnh, điện thoại để bấm lia lịa. 

Ở các triển lãm tranh, ảnh hay quán cà phê, chuyện này cũng nhan nhản. Nhân viên ở quán cà phê hay hướng dẫn triển lãm còn phải kiêm luôn phần chụp hình “có tâm” cho khách thì mới có thể vừa lòng các thượng đế. Đi cà phê thì chắc chắn phải trả tiền, đi xem phim cũng thế và một số triển lãm cũng có phụ thu tiền vé vào cổng, nên nhiều người cứ thế hồn nhiên sử dụng mọi không gian trong rạp phim, phòng triển lãm đến mức gây phiền toái cho người xung quanh.

Nhiều triển lãm, ban tổ chức cũng rất tinh ý, để riêng khu vực chụp hình “check in” cho khách với đủ phụ kiện đi kèm. Trong một triển lãm về mùa mưa của thành phố bằng nghệ thuật số và những thiết bị nghe nhìn hiện đại, khu vực “check in” được trang bị thêm dù và màn hình chiếu lớn tạo background mùa mưa để khách đến xem chụp ảnh.

Tuy nhiên, chỉ “check in” ở khu vực này dường như vẫn chưa thỏa lòng, nhiều người phải đến sát các mô hình trưng bày trong triển lãm để chụp, sau khi nhờ người khác chụp giùm thì đến màn tự chụp và kiểm tra lại hình xem ưng ý chưa, nếu chưa thì tiếp tục chụp đến khi vừa mắt thì thôi. 

Một lần khác đi xem liveshow ca nhạc của một nữ ca sĩ chuyên dòng nhạc truyền thống, cách mạng tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (quận 1), tiết mục mở màn với ngụ ý của đạo điễn khá đặc biệt khi tắt hết ánh đèn sân khấu, có lẽ để làm nổi bật sự xuất hiện của nhân vật chính.

Sau đó, đèn LED nghệ thuật sẽ xuất hiện kèm phần biểu diễn của ca sĩ và nhóm múa minh họa. Trước khi bắt đầu chương trình, ban tổ chức đã nhắc khán giả để điện thoại sang chế độ im lặng. Tuy nhiên, khi ánh đèn sân khấu đã tắt hết, một số tiếng chuông điện thoại vẫn còn. Khu vực VIP vẫn sáng, bởi ánh sáng từ màn hình điện thoại, mà khán giả ngồi tầng trên như tôi nhìn xuống thấy rõ mồn một.

10 khán giả ngồi ở vị trí VIP thì có đến 8 người vẫn đang bấm, quẹt, lướt điện thoại. Dù đã tới giờ bắt đầu, nhưng ban tổ chức chương trình phải lùi lại, mất thêm 15 phút nữa để nhắc nhở khán giả về việc sử dụng điện thoại.

Nhiều người thường ủng hộ chuyện “ăn to, nói lớn”, như một cách để nói về tính tình ngay thẳng, đứng đắn của một con người. Tôi cũng ủng hộ quan điểm đó, nhưng cần phải “ăn to, nói lớn” đúng nơi đúng chỗ và tinh tế. Những không gian thiên về nghe nhìn và cảm nhận nghệ thuật, như rạp phim hay phòng triển lãm, người ta cần trao đổi với một âm lượng vừa phải, để không gây ảnh hưởng đến sự thưởng thức tác phẩm của những người xung quanh.

Một rạp chiếu phim, người ta cần sự im lặng hay trao đổi vừa đủ nghe, để tập trung theo dõi phim hơn là những tiếng cười, nói bàn tán về nội dung phim cùng âm thanh nhai bắp rang rôm rốp.

Ngày nay, điện thoại di động gần như là vật bất ly thân của nhiều người, bởi không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn để lưu trữ dữ liệu, làm việc từ xa. Nhưng có lẽ khi đã xác định sẽ đi xem phim, đi coi triển lãm, xem kịch nói… thì cũng nên tạm gác lại chuyện quẹt, vuốt và lướt sang một bên cũng như tắt chuông điện thoại, để mình và mọi người được thường thức tác phẩm nghệ thuật một cách trọn vẹn nhất.

Tin cùng chuyên mục