Chế tài việc chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho khách hàng

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai do Chính phủ ban hành ngày 19-11-2019 (Nghị định 91), có quy định chế tài việc chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho khách hàng.

Nhiều bạn đọc đang quan tâm việc thực thi nghị định này, vì lâu nay nhiều chủ đầu tư chây ỳ, chậm làm giấy tờ nhà đất cho khách hàng. PV Báo SGGP đã trao đổi với luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) để làm rõ việc thực thi quy định pháp luật này

PHÓNG VIÊN: Từ ngày 5-1-2020, Nghị định 91 có hiệu lực thi hành. Theo luật sư, với biện pháp chế tài, phạt tiền nặng, liệu có thể chấm dứt được việc chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc làm giấy tờ nhà đất cho khách hàng?

Luật sư ĐOÀN QUANG XUÂN: Khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản quy định trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh bất động sản: “Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua, thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”.

Mặc dù đã có quy định như vậy, nhưng vẫn có tình trạng chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho khách hàng, có nơi kéo dài nhiều năm, không những trái luật mà còn gây nhiều bức xúc, thiệt hại cho người mua nhà, căn hộ. Có thể nói, với chế tài mạnh, mức phạt tiền nặng, Nghị định 91 là thuốc đặc trị căn bệnh này. Tại Điều 31 của nghị định quy định, chế tài đối với tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản vì không nộp hồ sơ, không cung cấp, hay cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản. Hình thức và mức xử phạt tương ứng thời gian và mức độ vi phạm, với mức phạt cao nhất là 1 tỷ đồng. 

Có quy định chế tài, nhưng có đủ biện pháp để thực thi chưa, thưa luật sư?

Đối với hành vi không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản, số tiền xử phạt căn cứ theo quy mô vi phạm và thời gian, từ 50 ngày đến 6 tháng, 6 tháng đến 9 tháng, 9 tháng đến 12 tháng, và trên 12 tháng. Cụ thể, chủ đầu tư thực hiện chậm từ 50 ngày đến 6 tháng, sẽ bị phạt tối thiểu 10 triệu đến 30 triệu đồng, và tối đa từ 50 triệu đến 100 triệu đồng trong trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Chủ đầu tư thực hiện chậm từ 12 tháng trở lên, mức phạt tối thiểu từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng và tối đa từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trong trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên. Với mức xử phạt này, chắc chắn sẽ làm các chủ đầu tư không dám chây ỳ, chậm cung cấp giấy tờ, không bàn giao sổ hồng cho người dân.

So với những công trình có giá trị đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng thì mức xử phạt lên đến 1 tỷ đồng vẫn là nhỏ bé?

Khi xây dựng Nghị định 91, Chính phủ đã tính đến tình huống này, do vậy trong nghị định đã có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, ngoài việc bị xử phạt nặng về tài chính, chủ đầu tư còn bị buộc phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ để bên mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng nhà đất tự nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định. Như vậy, chủ đầu tư không thể chây ỳ bỏ quên quyền lợi khách hàng. Do đó, có cơ sở để tin rằng, Nghị định 91 sẽ được thực thi nghiêm túc, sớm phát huy tác dụng.

Tin cùng chuyên mục