Giảm nhưng vẫn còn
Nghị định 28/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013 quy đinh xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) vừa có hiệu lực vào ngày 5-5-2017. Theo đó, tăng mức xử phạt đối hành vi phát tờ rơi và phạt nặng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Nguyễn T.A. (sinh viên năm 2, Trường Đại học Mở TPHCM, đang làm thêm bằng việc phát tờ rơi quảng cáo) thừa nhận: “Trước đây, mỗi ngày em phát được chừng 1.500 - 2.000 tờ rơi, nay chỉ được chừng 1.000 tờ rơi, vì nhiều người dân từ chối không nhận. Đến thời điểm Nghị định 28/2017 có hiệu lực, nhiều mối vẫn tuyển người phát tờ rơi quảng cáo, nhưng khuyến khích thả tờ rơi vào nhà dân thay cho việc phát ở giao lộ. Em đọc báo, biết có quy định xử phạt những người phát tờ rơi như em, cũng hiểu là công việc này làm ảnh hưởng đến nhiều người và gây mất trất tự, vệ sinh đô thị, nhưng việc này giúp em có tiền trang trải sinh hoạt nên đành làm. Với lại công ty bảo tụi em không phải lo, vì không có tiền thì cũng không ai xử phạt được”.

Thực tế, khi nhiều người dân đã từ chối nhận tờ rơi phát ở giao lộ, thì lượng tờ rơi treo dán trên tường nhà dân, cột điện hay thân cây xanh lại tăng. Đi bất cứ tuyến đường nào cũng dễ dàng bắt gặp hàng loạt cột điện, tủ điện phủ đầy thông tin quảng cáo. Tờ này dán đè lên tờ khác, đủ các sản phẩm, từ thông tin khuyến mãi của các siêu thị điện máy, quảng cáo bất động sản, đến rao cho vay tín dụng, cầm đồ, tìm người ở ghép… Ông Nguyễn Đức Thịnh (ngụ đường Hoàng Sa, quận 1, TPHCM) than: “Tôi thường xuyên đi cạo tờ rơi dán trên cột điện trong khu phố. Chiều hôm trước tôi đã cạo sạch thì sáng hôm sau lại có người dán lên. Tờ rơi quảng cáo bị cạo hoài thì họ dán lên cao hơn. Họ thường dán vào buổi tối hoặc sáng sớm để không ai hay và đến nhắc nhở, xua đuổi”.
Xử lý vẫn khó khăn
Điều 61 Nghị định 28/2017 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Theo ông Lê Hùng Việt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận 3, cái khó là hiện nay các đối tượng treo dán quảng cáo thường hoạt động lúc 4 - 5 giờ hoặc 18 - 19 giờ nên lực lượng chức năng khó phát hiện. Do đó, cùng với tổ kiểm tra của Phòng Văn hóa - Thông tin chuyên đi cắt các tờ rơi, băng rôn quảng cáo sai quy định, quận 3 xây dựng kế hoạch phối hợp nhiều lực lượng. Phòng đã tham mưu cho UBND quận lập tổ kiểm tra, giao chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm kiểm tra xử lý những sai phạm trên địa bàn phường; các khu phố tham gia ngăn chặn vi phạm trong việc quảng cáo ở khu phố mình; huy động Đoàn thanh niên thực hiện các công trình thanh niên, dẹp sạch quảng cáo, rao vặt trên các tuyến đường… Ông Việt chia sẻ: “Trong quá trình làm việc chúng tôi nhận thấy muốn phạt họ thì mình phải chứng minh họ vi phạm; họ cũng có quyền chứng minh họ không vi phạm. Do vậy, chiếu theo nghị định này thì xử lý vi phạm được nhưng cũng rất mất thời gian”.
Tin cùng chuyên mục

Dựng lô cốt rào chắn đường tràn lan

Khu dân cư bị quy hoạch treo hơn 11 năm

Sai sót ở chung cư Khang Gia Chánh Hưng: Chưa được khắc phục

Chấn chỉnh việc xét tuyển nhân sự cử du học

Giải bài toán chỗ đậu ô tô trong chung cư

Lừa người đặt mua đồ ăn, thức uống trực tuyến

Cò vé hoạt động nhộn nhịp

Nhiều khuất tất quanh vụ thi hành án siêu tốc

Để người dân chọn đi xe buýt
