Chế tài hành vi mua bán thông tin cá nhân

Pháp luật Việt Nam có bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội hay không? Hành vi mua bán thông tin cá nhân bị xử lý như thế nào?

Nghị định 15/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, quy định: Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nếu không có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng trên mạng xã hội. Hành vi không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng, hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với tổ chức, từ 15 triệu đến 25 triệu đồng đối với cá nhân. Hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với tổ chức, từ 25 triệu đến 35 triệu đồng đối với cá nhân.

Cần lưu ý thêm, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng (thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân), với hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Nếu thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tin cùng chuyên mục