Chế biến thực phẩm: Thay đổi để thích ứng

Năm 2021, ngành chế biến thực phẩm được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội bứt phá hơn bởi tác động tích cực từ việc tham gia loạt hiệp định thương mại thế hệ mới và xu hướng tiêu dùng ở nội địa đã tăng trở lại. Để nắm bắt cơ hội này thì doanh nghiệp (DN) cần có những thay đổi trong sản xuất và hướng tiếp cận người tiêu dùng. 
Ngành chế biến thực phẩm thay đổi thích ứng xu hướng mới
Ngành chế biến thực phẩm thay đổi thích ứng xu hướng mới

Đứng vững trong dịch bệnh

Nhiều năm nay, chế biến thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Cụ thể, sản phẩm chế biến như cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) được ưa chuộng tại Hàn Quốc, phở Vifon (Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam) được người tiêu dùng Thái Lan yêu thích, hay tiêu xanh sấy lạnh của Tập đoàn Phúc Sinh được xuất khẩu rộng rãi ở EU…

Nhờ tiềm lực vững vàng, năm 2020 khi dịch xảy ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành này vẫn ổn định. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) khẳng định, năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng trưởng mạnh. Kết quả này có được do trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh cùng sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng… các DN đã nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, kết quả kinh doanh ghi nhận sự tăng trưởng rất tích cực. 

Có thể kể như Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), ngoài các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, Vissan cam kết cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, nguồn heo được tiếp nhận giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, có sự kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan thú y độc lập, truy xuất nguồn gốc theo chương trình TE-FOOD của thành phố. Hay Công ty CP Sài Gòn Food, ngoài cung ứng đủ nguồn hàng vào những thời điểm quan trọng đã ra mắt những sản phẩm mới với tiêu chí cung cấp nhiều dinh dưỡng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Sẵn sàng thích ứng

Theo đánh giá của FFA, năm 2021 ngành chế biến thực phẩm sẽ có nhiều cơ hội bứt phá bởi thực phẩm là ngành tiêu dùng thiết yếu và nhu cầu về sản phẩm này trên toàn cầu vẫn gia tăng. Trong khi đó, DN chế biến thực phẩm Việt có năng lực sản xuất, được duy trì tốt. Đó là chưa kể việc Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành thực phẩm. 

Phân tích cụ thể, bà Chi nói rằng các FTA sẽ giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Từ đó góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng cho tất cả DN, giúp cho ngành lương thực thực phẩm từng bước phát triển.

Dù vậy, giai đoạn tới xu hướng người tiêu dùng thế giới cũng như Việt Nam sẽ có những thay đổi. Điều này thực tế đã được thể hiện rõ nét khi dịch xảy ra. Cụ thể, hành vi tiêu dùng đã thay đổi khi chuyển dịch sang mua thức ăn trực tuyến, ưu tiên chọn lựa các loại thực phẩm giúp chế biến dễ dàng và có giá thành hợp lý hơn. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm nội địa, địa phương. 

Hiểu được những vấn đề này, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã khuyến cáo các DN cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực đổi mới, cải tiến sản phẩm chất lượng để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Tuy nhiên, ngoài sự chủ động của DN, bà Lý Kim Chi cho biết, để giúp ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hơn trong năm 2021, FFA đang kiến nghị TPHCM xin cơ chế từ Chính phủ về phát triển hệ thống kho dự trữ, kho lạnh bảo quản.

Theo đó chỉ cần hỗ trợ về mặt chính sách, gồm vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, thuế,…để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển các hệ thống kho này, góp phần tăng giá trị hàng hóa. Bởi chuỗi cung ứng thực phẩm cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống đòi hỏi các điều kiện logistics và bảo quản chuyên biệt - đây là khâu rất quan trong trong liên kết chuỗi cung ứng.

Theo các chuyên gia, năm 2021, để nắm bắt được cơ hội từ thị trường, DN chế biến thực phẩm ngoài yếu tố ứng dụng số hóa trong kinh doanh, làm thương hiệu mạnh mẽ hơn, DN nên chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng; sản xuất thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch...

Tin cùng chuyên mục