"Chảy máu" chất xám cơ quan nhà nước - Bài 1: Việc nhiều, lương ít

TPHCM hiện có khoảng 11.680 cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính và có khoảng 120.000 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp. Thời gian qua, không ít cán bộ, công chức, viên chức ở các sở ngành, đơn vị sự nghiệp đã có sự lựa chọn khác: nghỉ việc.

LTS: TPHCM đang có nhiều giải pháp thu hút nhân tài, nhằm phát huy mạnh yếu tố con người với kỳ vọng mang lại những thay đổi cơ bản, kiến tạo sự phát triển bền vững. Trong khi việc thu hút nhân tài chưa giải được cơn “khát” nhân lực của thành phố, thì ở chiều ngược lại, không ít công sở, đơn vị sự nghiệp đang để “mất” nguồn lực tại chỗ, trong đó có nhiều nhân sự giỏi. Từ số báo này, Báo SGGP phản ánh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc qua loạt bài “Chảy máu” chất xám ở cơ quan nhà nước.

Nối nhau nghỉ việc
Tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, khối lượng công việc nhiều, áp lực công việc rất lớn, nhưng thu nhập bình quân của cán bộ, công chức chỉ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 3 năm trở lại đây, khoảng 200 công chức, viên chức nghỉ việc. Riêng năm 2017, có 47 người nghỉ và từ đầu năm 2018 đến nay có 26 người, trong đó có cả lãnh đạo cấp phòng.
Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến ưu tư: “Công chức, viên chức nghỉ việc vẫn giữ liên lạc với chúng tôi, khen môi trường làm việc và con người ở BHXH tốt. Nhưng “tốt” thì chưa đủ. Điều “tiếc” là lương quá thấp trong khi áp lực công việc quá cao, anh em đành phải chuyển việc”.
Tương tự, dù đã có các giải pháp, nhưng Sở Tư pháp TPHCM vẫn không “níu chân” được một số công chức. Gần đây nhất, một nữ công chức đang đáp ứng rất tốt yêu cầu công việc đã bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc. Đây là một nhân sự rất triển vọng nên Trưởng phòng Tổ chức của sở thuyết phục, rồi giám đốc sở cũng gặp gỡ thuyết phục. Song, cuối cùng đều phải… buông tay khi thấu hiểu hoàn cảnh của chị: người thân vừa lâm bệnh, trong khi thu nhập của công chức không chi trả nổi các chi phí. Nữ công chức này không thể không tìm công việc khác và chị đã chuyển tới làm việc cho một đơn vị ngoài nhà nước với mức lương thử việc đã cao hơn lương của chính lãnh đạo sở có thâm niên làm việc gần 20 năm.
“Nhiều công chức làm việc ở sở, trong đó có người được đưa vào quy hoạch, song họ cảm thấy thu nhập không thể trang trải cuộc sống. Trong khi đó, thu nhập ở các doanh nghiệp bên ngoài lại có sức hấp dẫn lớn”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh tiếc nuối.
Trong ngành tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM Ung Thị Xuân Hương cũng đang lo ngại trước số lượng lớn thẩm phán, thư ký tòa án nghỉ việc. Từ cuối tháng 10-2017 đến nay, 11 thẩm phán, 15 thư ký tòa ở TPHCM xin nghỉ. Trong đó, có người rất giỏi chuyên môn, có người vừa được bổ nhiệm 1 tháng...
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, việc xin nghỉ của các thẩm phán, thư ký là do áp lực về số lượng án mà họ phải giải quyết. Tại TPHCM, bình quân mỗi năm một thẩm phán phải thụ lý 116 vụ, trung bình là 10 vụ/tháng; trong khi chỉ tiêu TAND tối cao đưa ra chỉ là từ 4 - 6 vụ/tháng. Thực tế có những TAND quận, huyện có thẩm phán phải thụ lý lên đến 18 vụ/tháng. Đây là một áp lực quá lớn đối với các thẩm phán ở TPHCM. Nhiều thẩm phán bị bệnh cũng không dám nghỉ, dù đó là quyền, vì sợ không đủ thời gian giải quyết công việc. Ngoài ra, các thẩm phán, thư ký tòa án xin nghỉ việc còn do phải chịu áp lực về chất lượng xét xử, trong khi đồng lương lại quá thấp: chỉ 6 - 8 triệu đồng/thẩm phán/tháng. Có thẩm phán rất giỏi chuyên môn đã nộp đơn nghỉ việc vì muốn ra ngoài đi làm dịch vụ nhà đất, vừa dễ có thu nhập cao, vừa khỏi sợ bị kỷ luật. Một số trường hợp khác nghỉ việc để làm cho các công ty dịch vụ tư vấn, hoặc giúp công việc kinh doanh gia đình.
“Không chịu được áp lực và bỏ cuộc là điều rất đáng tiếc khi mà mỗi thẩm phán đều đã cố gắng hết sức mới được bổ nhiệm vào chức danh cao quý này”, Chánh án TAND TPHCM chia sẻ.
Ở khối bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Sở LĐTB-XH TPHCM), đang chăm sóc 570 trẻ mồ côi bại não, bại liệt, chậm phát triển. Các trẻ không thể tự chăm sóc cho bản thân, mọi việc đều nhờ một tay các nhân viên trung tâm thực hiện. Tuy nhiên, thu nhập quá thấp và năm qua đã có tới 40 người nghỉ việc. Ở cấp quận/huyện, phường/xã, tình trạng công chức nghỉ việc cũng diễn ra.
Tại huyện Bình Chánh, từ năm 2016 đến nay, có 174 trường hợp xin nghỉ. Quận 8, từ năm 2016 đến nay, riêng cấp phường đã có 101 cán bộ nghỉ việc, trong số này có 8 cán bộ chuyên trách (gồm cả chủ tịch, phó chủ tịch UBND); ở các phòng ban trực thuộc UBND quận có 32 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Khối có số lượng người nghỉ nhiều nhất là giáo dục, với 114 trường hợp.
"Chảy máu" chất xám cơ quan nhà nước - Bài 1: Việc nhiều, lương ít ảnh 1  Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND huyện Hóc Môn. Ảnh: QUANG HUY    
Thạc sĩ, tiến sĩ cũng nghỉ
Kết thúc thành công chuyến công tác tại Hàn Quốc cùng đoàn của Thành ủy TPHCM vào giữa năm 2014, không lâu sau, Tiến sĩ H.X.D., Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM), đã nghỉ việc. Đây là điều đáng tiếc với Sở LĐTB-XH TPHCM, bởi anh H.X.D. là một cán bộ trẻ giỏi, quán xuyến công việc hiệu quả. Điểm đến của anh D. là một doanh nghiệp, với vị trí quản lý cấp cao. Trong ngành tư pháp, từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp TPHCM có 18 công chức, viên chức (không tính dạng hợp đồng) nghỉ việc, trong đó 2 trường hợp (1 người khi nghỉ là cấp phó phòng) thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ của Thành ủy TPHCM. Những trường hợp nghỉ việc đều có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, trong đó có những trường hợp được quy hoạch giữ chức vụ chủ chốt. Rất tiếc nuối nhân sự giỏi nên khi nhận được đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo Sở Tư pháp thuyết phục, động viên song vẫn không thể giữ chân nhân tài. 
Trong ngành giáo dục, thầy N.V.P., giáo viên của một trường THPT lớn tại quận Bình Thạnh, đã nghỉ việc sau khi kết thúc khóa học thạc sĩ tại Vương quốc Anh. Lý do của thầy N.V.P. rất thực tế: “Đi để thử thách và phát triển khả năng của mình. Đi cũng để tránh áp lực thành tích ở bậc phổ thông, vì năm nào không có học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia là bị ban giám hiệu mời lên làm việc. Và một lý do nữa là thu nhập ở chỗ mới cao gấp 10 lần trường cũ”.
Tại Trường THPT T.K.N. (quận 5), năm học 2016-2017, cô H. cũng xin nghỉ dạy để đầu quân về Trường Tư thục THPT Đinh Thiện Lý (quận 7). Cô H. là một trong những giáo viên tiên phong cho hoạt động dạy học sáng tạo, từng đoạt giải nhất Giáo viên sáng tạo cấp quốc gia, tham gia các cuộc thi sáng tạo của Microsoft. Nhiều học trò được cô H. hướng dẫn nghiên cứu khoa học đều giành giải quốc gia.
Mới đây, cô L., Phó hiệu trưởng Trường THCS Đ.T. (quận 1), một chuyên gia giáo dục được Microsoft công nhận, cũng đã nói lời chia tay trường công để tới dạy ở một trường quốc tế. “Tâm điểm” của việc “dịch chuyển chất xám” trong ngành giáo dục là Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1). Đầu năm học 2017-2018, 2 phó hiệu trưởng, 4 giáo viên và 2 nhân viên của trường này đồng loạt xin nghỉ để chuyển sang trường dân lập quốc tế V. Mức lương mới của các giáo viên dao động 20 - 40 triệu đồng/người/tháng. Ở cấp mầm non, hàng năm, thành phố có gần 1.050 người nghỉ việc.
Tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, chỉ trong năm 2017, có 23 người nghỉ việc, trong đó có tới 6 bác sĩ (chiếm 28% số bác sĩ của trung tâm), 6 điều dưỡng (10%) và các y sĩ, kỹ thuật viên, lái xe, bảo vệ. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, bác sĩ nghỉ việc nhiều bởi thu nhập thấp, môi trường làm việc nguy hiểm, không phân biệt giờ giấc và không có cơ hội nâng cao về chuyên môn (chủ yếu chỉ xử trí ban đầu). Bác sĩ mỗi tháng chỉ khoảng 4 - 6 triệu đồng/người; ngay cả lương của giám đốc trung tâm cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Bà Dương Thị Uyên Chi, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Chánh, cho biết trong 174 người nghỉ việc, đáng chú ý có nhiều trường hợp công tác lâu năm, đặc biệt có cán bộ có trình độ thạc sĩ, thuộc chương trình đào tạo của Thành ủy TPHCM, sau đào tạo được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Theo bà Chi, phần lớn cán bộ ở Bình Chánh nghỉ việc là do áp lực công việc. Bà Chi phân tích, tốc độ đô thị hóa ở huyện diễn ra rất nhanh, dân số tăng cao (có xã tăng 10.000 dân/năm), trong khi hạ tầng còn ngổn ngang, công tác quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Bất cập đẻ bất cập, nhiều hệ lụy kéo theo: tội phạm, tệ nạn phát sinh; xây dựng trái phép xuất hiện, kéo dài… Trong khi đó, nhân sự trong bộ máy còn thiếu; tại nhiều xã, cán bộ chuyên môn phải kiêm nhiệm thêm chức danh của cán bộ bán chuyên trách. Thực tế trên đã gây áp lực rất lớn lên bộ máy chính quyền, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo.
“Tính riêng 2 năm qua, trong khối xã - thị trấn có đến 4 cán bộ xin nghỉ việc, các trường hợp này đều đang giữ chức phó chủ tịch UBND. Cả 4 cán bộ đều bày tỏ nguyện vọng muốn được nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực trong công tác quản lý đất đai và xây dựng”, bà Chi cho biết.

Anh L.Tr.Q. là phó chủ tịch UBND một xã tại huyện Bình Chánh (TPHCM) vừa nghỉ việc. Sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cộng với niềm đam mê công việc đã giúp anh luôn hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, anh Q. chia sẻ, muốn đạt kết quả như vậy, bản thân anh phải luôn làm việc cật lực, lúc nào cũng trong tư thế “gồng mình”. “Có tuần tôi phải làm cả ngày thứ bảy; có ngày phải ký hồ sơ, giải quyết công việc đến tối muộn mới về nhà, không còn nhiều thời gian cho gia đình. Dẫu đam mê công tác nhưng quá áp lực, đầu năm 2018, tôi quyết định không làm phó chủ tịch xã nữa.”, anh Q. lý giải. Bây giờ, với công việc  mới tại một doanh nghiệp, anh Q. khá hài lòng bởi đỡ áp lực hơn, thu nhập cũng tương đối và có thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục