Chạy đua vũ trang hạt nhân

Báo The Guardian ra ngày 30-1 dẫn nguồn tin từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết USS Tennessee, rời cảng ở bang Georgia vào cuối năm 2019, là tàu ngầm đầu tiên đi tuần tra được trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2.

Sức công phá của đầu đạn này là 5 kiloton, tức bằng 1/3 sức mạnh của quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima. Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí cảnh báo đây có thể là một bước nguy hiểm để dẫn đến vụ phóng tên lửa hạt nhân.

Theo bản đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 2-2018, W76-2 được xem là biện pháp đối phó với “mối đe dọa của Nga” về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những người ủng hộ W76-2 lập luận rằng Mỹ không có sự răn đe hiệu quả đối với vũ khí chiến thuật của Nga. Theo những người này, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất tương đối thấp để khiến đối thủ như Mỹ hay NATO lùi bước trong một cuộc xung đột.

Theo một báo cáo độc lập, Mỹ đã bắt đầu triển khai một loại đầu đạn hạt nhân năng suất thấp mới trên một số tàu ngầm có trang bị tên lửa đạn đạo. Ông Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân của FAS cho rằng một tàu ngầm thứ hai mang vũ khí cùng loại cũng có thể đang tuần tra ở Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc chính thức từ chối bình luận về các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân vì họ cho rằng chính sách của Mỹ là không xác nhận cũng không phủ nhận sự hiện diện hay vắng mặt của vũ khí hạt nhân tại bất kỳ địa điểm cụ thể nào.

Các đầu đạn hạt nhân mới do Bộ Năng lượng Mỹ sản xuất trong năm 2019 và đã bàn giao cho hải quân Mỹ, theo người phát ngôn của bộ này. Đầu đạn W76-2 có vẻ bề ngoài giống hệt với W76-1 nhưng sức công phá nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo chiến lược này mang lại rủi ro rất lớn. Có lẽ nguy cơ lớn hơn, như ông Kristensen cảnh báo, là việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhỏ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn hơn. “Một khi bạn bắt đầu bật nút bấm hạt nhân thì khó có giới hạn”, ông này khẳng định.

Bên cạnh việc triển khai vũ khí hạt nhân, theo Newsweek, Mỹ đã ký hợp đồng với một nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu để phát triển một vũ khí mới có khả năng ngăn chặn các tên lửa siêu thanh của Nga. Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã trao cho Công ty Hàng không vũ trụ và quốc phòng Northrop Grumman một hợp đồng trị giá 13 triệu USD để sản xuất loại vũ khí này. Chương trình được DARPA mô tả là đã bắt đầu vào năm 2018.

Mỹ đang chạy đua để xây dựng cả hành vi tấn công và phòng thủ khi Nga và Trung Quốc đã triển khai các tên lửa mà họ tự hào có thể di chuyển nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Nga đã triển khai 2 loại vũ khí siêu thanh: tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal phóng từ trên không và tổ hợp Avangard, có khả năng di chuyển khắp thế giới với tốc độ nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh. Một loại thứ ba là tên lửa hành trình phóng từ biển 3M22 Tsirkon, hiện đang được phát triển. Tất cả ba hệ thống có thể được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các loại vũ khí này để đáp trả việc Mỹ rút khỏi các Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tin cùng chuyên mục