Chạy đua với cuộc chiến chống Covid-19

Sáng 27-7 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) lần đầu tiên tổ chức phiên tham vấn về thực thi Nghị quyết 2565, được thông qua hồi tháng 2 về phân phối công bằng vaccine Covid-19 cho các nước trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, nhất là ở một số nước có xung đột.
Nhân viên y tế Ấn Độ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Ảnh: Hindustan Time
Nhân viên y tế Ấn Độ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Ảnh: Hindustan Time

Cơ chế thúc đẩy mới

Tại phiên tham vấn, các nước thành viên HĐBA LHQ kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia cũng như các tổ chức và cơ chế quốc tế để phân phối vaccine công bằng với mức giá thấp cho các nước trong khủng hoảng. 

Kể từ khi HĐBA thông qua Nghị quyết 2565 hồi tháng 2 vừa qua, việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn còn chậm. Với lượng cung vaccine toàn cầu từ nay tới năm 2022 khá lớn, HĐBA đang tính cách để có sự chuẩn bị kịp thời về nguồn nhân lực y tế cũng như cơ chế phối hợp để phân phối nguồn vaccine này một cách hiệu quả nhất và công bằng nhất thông qua Chương trình phân phối vaccine công bằng của LHQ mang tên COVAX.

Theo dự kiến, chương trình COVAX của LHQ sẽ phân phối 2 tỷ liều vaccine toàn cầu trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nước nghèo hơn vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chương trình COVAX mới phân phối được khoảng 136 triệu liều vaccine Covid-19. Theo số liệu của Our World in Data, chỉ 1,1% người dân ở các nước nghèo nhận được ít nhất một liều vaccine so với 26,9% tổng dân số thế giới. 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều bất bình đẳng giữa các quốc gia, trong đó vấn đề khoảng cách trong tiêm chủng vaccine Covid-19 đặc biệt đáng quan ngại, có thể đe dọa nỗ lực xây dựng hòa bình và các thành quả phát triển đã đạt được. Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, cần bảo đảm tất cả mọi người được tiêm chủng, tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, chữa bệnh Covid-19 và kêu gọi các nước ủng hộ tài chính cũng như nguồn cung vaccine cho Chương trình COVAX.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và COVAX ngày 26-7 đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển, vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu. Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước - với giá cạnh tranh hơn - từ các nhà sản xuất vaccine dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác.

Nghiên cứu tiêm kết hợp 2 loại vaccine

 Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản đang đẩy mạnh việc nghiên cứu tiêm kết hợp 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau và thuốc chữa trị. Tại Hàn Quốc, việc tiêm kết hợp mũi đầu là vaccine Covid-19 của AstraZeneca và mũi 2 là vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ giúp sản sinh nhiều kháng thể hơn gấp 6 lần so với việc tiêm cả 2 mũi là vaccine của AstraZeneca. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố tại Hàn Quốc, thực hiện với 499 nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Hàn Quốc cũng xác định khả năng miễn dịch của các nhóm kể trên với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Kết quả chỉ ra, với biến thể Alpha, phát hiện lần đầu tiên tại Anh, hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm đều không suy giảm. Trong khi đó, với các biến thể Beta (lần đầu tiên tại Nam Phi), Gamma (lần đầu tiên tại Brazil) và Delta (lần đầu tiên tại Ấn Độ), hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm giảm trong khoảng tương ứng từ 2,5-6 lần.

Tại Nhật Bản, Công ty Dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 thuốc chữa Covid-19. Công ty Shionogi & Co. cho biết, loại thuốc này được bào chế trên cơ sở hoạt chất S-217622, có thể nhanh chóng giảm số lượng virus trong cơ thể người bệnh và ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng lâm sàng như sốt hay khó thở nếu người bệnh được kê đơn ngay sau khi phát hiện mắc Covid-19. Trong các thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện số lượng virus đã giảm nhanh và đáng kể.

Theo Công ty Shionogi & Co., những người tham gia thử nghiệm đã sử dụng liều đầu tiên hôm 22-7. Không có bất cứ quan ngại nào về vấn đề an toàn được phát hiện sau liều thử đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố sẽ rút đề nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với bộ kit xét nghiệm RT-PCR sau ngày 31-12-2021. CDC Mỹ khuyến khích các phòng thí nghiệm cân nhắc sử dụng phương pháp xét nghiệm cùng lúc nhiều đột biến nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Ngay sau đó, trên các mạng xã hội lập tức lan truyền thông tin xuyên tạc hoặc cố tình hiểu sai nội dung của CDC Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Ấn Độ, phân tích các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 cho thấy để giảm thiểu số ca nhiễm trong cộng đồng thì số lượng xét nghiệm quan trọng hơn độ nhạy của các xét nghiệm được sử dụng. Một số bang ở Ấn Độ sử dụng kết hợp hai hình thức xét nghiệm chính đối với Covid-19 là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) và xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Phân tích cũng cho thấy, sử dụng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cũng có thể đạt được kết quả tương tự về tổng số ca nhiễm như sử dụng hình thức xét nghiệm RT-PCR, miễn là số lượng người được xét nghiệm đủ cao.

Tin cùng chuyên mục