Chạy đua tuyển sinh đại học ở miền Trung

Cùng với việc thay đổi phương án tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho học sinh sau đợt nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường đại học (ĐH) tại miền Trung còn đưa ra các chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong mùa tuyển sinh 2020.

 Hiện hầu hết các trường ĐH ở miền Trung đều đã công bố phương án tuyển sinh và đang tiếp nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp THPT (học bạ). Trong đó, Trường ĐH Quang Trung (TP Quy Nhơn) triển khai chương trình hỗ trợ tuyển sinh online thông qua livestream trực tuyến “mỗi tuần một sự kiện” để cung cấp thông tin và hướng dẫn học sinh.

TS Trần Thị Việt Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, chia sẻ mỗi lần livestream, nhà trường nhận được rất nhiều thắc mắc về các ngành nghề đào tạo của trường, đặc biệt, học sinh quan tâm đến mô hình thực nghiệm Edufarm - nông học dược liệu ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Quy Nhơn tuyển 4.800 thí sinh theo 3 hình thức: lấy điểm kỳ thi THPT năm 2020, kết quả học bạ THPT và tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia (hiện 1.500 học sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển). TS Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, cho biết đa số các trường ĐH ở khu vực miền Trung đều gặp khó khăn về công tác tuyển sinh, do tâm lý học sinh muốn học ĐH ở Hà Nội, TPHCM để sau này ra trường có việc làm tốt hơn. Do vậy, giải pháp nhà trường đưa ra là đẩy mạnh hỗ trợ tuyển sinh qua mạng xã hội, Internet và thực hiện những clip, buổi livestream…

Trong khi đó, năm nay, ĐH Huế dự kiến tuyển 14.050 chỉ tiêu vào các trường thành viên, các khoa trực thuộc và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, ĐH Huế lùi thời gian tổ chức kỳ thi năng khiếu, dự kiến đợt 1 tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 14 đến 16-8) để phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đồng thời, thông báo về nhiều suất học bổng khuyến học, khuyến tài dành cho các tân sinh viên, và nhiều cơ hội việc làm ở các ngành học. Theo TS Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, so với những kỳ thi năng khiếu trước đó, năm nay ĐH Huế có nhiều sự thay đổi để tạo thuận lợi cho thí sinh, một số môn thi sẽ được tổ chức gọn lại. Còn tại ĐH Đà Nẵng, PGS-TS Giang Thị Kim Liên, Phó Trưởng ban Đào tạo, cho hay lần đầu tiên ĐH Đà Nẵng phối hợp ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh để lấy kết quả xét tuyển. Bài thi xây dựng theo cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực trên thế giới như SAT của Mỹ hoặc TSA của Anh.

Năm nay, ĐH Đà Nẵng mở thêm 4 ngành, chuyên ngành mới tại các trường trực thuộc; trong đó, ĐH Bách khoa mở 3 chuyên ngành mới gồm Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin), Cơ khí hàng không (thuộc ngành Kỹ thuật cơ khí). PGS-TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng ban Đào tạo ĐH Bách khoa, cho biết Cơ khí hàng không là chuyên ngành được nhà trường mở theo đơn đặt hàng của tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Mỹ (UAC). Dự kiến năm 2021, Tập đoàn UAC cần khoảng 650 nhân lực để phục vụ cho việc sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Song năm đầu, nhà trường chỉ lấy 40 chỉ tiêu, dù Bộ GD-ĐT cho phép tối đa 50 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH băn khoăn “đầu ra” của sinh viên, nhất là một số ngành nghề xã hội giảm nhu cầu. Do đó, theo lãnh đạo các trường ĐH, việc hướng đến mở các ngành đào tạo ứng dụng theo nhu cầu xã hội, lồng ghép kiến thức hàn lâm với thực nghiệm được chú trọng. Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường ĐH quốc tế, để đảm bảo chất lượng đầu ra tuyệt đối sau đào tạo.

Tin cùng chuyên mục