Châu Âu trước nguy cơ khủng hoảng người tị nạn

Theo Liên hiệp quốc (LHQ), tính đến tháng 10-2022, có 7,6 triệu người Ukraine tị nạn trên khắp châu Âu. Khoảng 4,2 triệu người tị nạn Ukraine đã đăng ký chương trình bảo vệ tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) hoặc các chương trình quốc gia khác. 
Người tị nạn Ukraine tại Đức
Người tị nạn Ukraine tại Đức

Thay đổi thái độ

Tổng cộng, gần 1/3 dân số Ukraine đã phải di tản ra nước ngoài hoặc di chuyển khỏi nơi cư trú trong nước. Hầu hết những người tị nạn Ukraine hiện ở các nước EU giàu có hơn sau khi vượt qua các nước láng giềng Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia… EU đã tạo điều kiện cho người Ukraine hơn so với những người xin tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và Afghanistan. Tuy nhiên, giờ đây EU gặp thêm thách thức quá tải người tị nạn vào mùa đông cùng khó khăn về kinh tế và năng lượng của khu vực. Với người tị nạn là phụ nữ và trẻ em, chiếm tới 90% người tị nạn Ukraine, còn phải lo việc cho trẻ đi học, chăm sóc trẻ em và việc làm cho người mẹ. Đặc biệt là đối với trẻ em dễ bị tổn thương từ bạo lực chiến tranh, mất phương hướng và xa cách người thân nên các em rất cần được hỗ trợ về mặt tinh thần và tâm lý. 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự tính, tác động trung hạn của người tị nạn với tốc độ tăng trưởng kinh tế EU là 1,5%. Khi chi phí sinh hoạt tăng vọt trên khắp EU, một phần do giá năng lượng tăng sau các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga, thái độ đối với người tị nạn Ukraine ở Trung và Đông Âu đang dần thay đổi. Tại CH Czech, thái độ chống người tị nạn Ukraine đã bắt đầu nổi lên từ tháng 8, nhất là với các nhóm cực hữu xem “Czech trên hết”. Người phản đối kêu gọi bầu cử sớm, đàm phán về khí đốt với Nga, trung lập về quân sự và “chấm dứt tiếp nhận người tị nạn Ukraine”. 

Ông Filippo Grandi, cao ủy LHQ về người tị nạn, lo ngại cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt nên người Ukraine sẽ tiếp tục rời đất nước bất chấp mùa đông băng giá. Ngay cả ở những nước như Ba Lan - quốc gia vốn kiên quyết bảo vệ Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột, các quyền lợi đặc biệt dành cho hầu hết những người tị nạn Ukraine cũng đã bị rút lại. Đối với các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Ngôi nhà Ukraine - tổ chức có trụ sở tại Warsaw - đã hỗ trợ người Ukraine ở Ba Lan từ năm 2009, sự cắt giảm các phúc lợi đặc biệt đang ảnh hưởng lớn đến việc tiếp nhận người tị nạn. 

Người giàu cũng khóc

Với số lượng người Ukraine tị nạn tại Đức năm 2022 sắp vượt 1 triệu người, Chính phủ Đức đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tại cuộc họp với Bộ trưởng Nội vụ liên bang, Bộ trưởng Nội vụ của bang Sachsen đã cảnh báo rằng bang này có thể buộc phải đóng cửa các biên giới - điều mà bang Bavaria đã làm. Các bang cho biết, sẽ cần thêm hàng tỷ EUR để lo cho những người mới đến. Áp lực cũng đang gia tăng đối với chính phủ liên bang trong việc kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn ở châu Âu để giải quyết các vấn đề và đảm bảo “sự phân bổ công bằng” của những người xin tị nạn trên toàn khối. Hiện tại, một thỏa thuận ràng buộc về việc phân bổ những người xin tị nạn trong EU vẫn bị đình trệ. Hệ thống tị nạn chung châu Âu (CEAS) không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong những năm gần đây. 

Những lo ngại được các nhà lãnh đạo nhà nước ở Đức đề cập chủ yếu là do không đủ nguồn lực và năng lực để cung cấp cho một số lượng lớn những người mới đến gần đây. Thêm vào đó, thị trường nhà ở tại Đức đặc biệt eo hẹp, với những căn hộ trống ngày càng ít, chỉ có trong những vùng nông thôn hẻo lánh. Có những lo ngại rằng tình hình trong những tháng tới sẽ còn trở nên trầm trọng hơn. Nhà nghiên cứu di cư Gerald Knaus gần đây nhận định, Đức đang đối mặt với một mùa đông xám xịt nếu tình hình ở Ukraine xấu đi và nguồn cung cấp điện, nhiệt không còn hoạt động do hậu quả của xung đột Ukraine.

Tin cùng chuyên mục