Châu Âu đối mặt mùa du lịch ảm đạm

Kế hoạch vực dậy ngành du lịch trong mùa hè này ở các nước ven bờ Địa Trung Hải như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy đang đứng trước nguy cơ bị phá sản vì đợt nắng nóng kỷ lục dẫn đến hàng loạt vụ cháy rừng. 
Cháy rừng tại Hy Lạp
Cháy rừng tại Hy Lạp

Theo Hãng tin CNN, đây là tổn thất không nhỏ ở những quốc gia vốn dựa vào du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như Hy Lạp, Italy  hay Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ tính riêng trong tháng 7, ở 3 nước này đã xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng. Tại thủ đô Athens của Hy Lạp, nhiệt độ lên tới trên 44°C, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có mức nhiệt độ trong ngày tới 49°C.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong vòng một thập niên qua, xóa sổ những khu rừng nguyên sơ cùng đất nông nghiệp trù phú trên khắp các bờ biển Địa Trung Hải và Aegean của nước này. Phần lớn các vụ hỏa hoạn đều không kiểm soát được sớm. Do nhiệt độ cao, gió mạnh và khô, cháy rừng càng bùng lên dữ dội. Theo cơ quan cứu hỏa châu Âu, diện tích các đám cháy rừng trong 2 tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lớn gấp 3 lần diện tích rừng bị cháy trung bình hàng năm.

Trong khi đó, tại Hy Lạp, giới chức địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực Varybobi và Acharnes ở phía Bắc Athens. Đám cháy lớn nhất xảy ra trên đảo Evia trong khi hỏa hoạn cũng đã hoành hành ở Messinia thuộc Peloponnese và Chalkidiki, miền Bắc Hy Lạp. Tại Italy, chính quyền trên đảo Sardinia ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán khoảng 1.500 người vào cuối tuần trước khi cháy rừng thiêu rụi khoảng 20.000ha ở tỉnh Oristano, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Từ một điểm đến hấp dẫn trong mùa hè năm nay, các nước ven biển Địa Trung Hải lại trở thành điểm nóng về cháy rừng. Thông tin này khiến các du khách hoảng sợ, dẫn đến hiện tượng hủy tour hàng loạt. Ngành du lịch từng mang lại nguồn thu đến 45 tỷ USD cho Hy Lạp trong năm 2019, nhưng đến năm 2021, con số này rất khó để đạt được khi mùa hè đang trở thành thảm họa nắng nóng tại nước này. Thời tiết nắng nóng buộc du khách phải ở lại trong khu nghỉ dưỡng và không thể đi đâu vì nhiệt độ quá cao. 

Nguy cơ sụt giảm doanh thu của ngành du lịch Nam Âu cũng sẽ kéo theo tương lai ảm đạm của ngành du lịch châu Âu trong năm nay. Lượng khách quốc tế đến châu Âu năm ngoái đã giảm gần 70% so với năm 2019, và trong 5 tháng đầu năm nay, con số này tiếp tục giảm 85%. 

Ủy ban Du lịch châu Âu dự báo khách quốc tế đến châu Âu năm nay chỉ bằng một nửa so với năm 2019 vì ít khả năng đón khách từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Kết quả khảo sát của Văn phòng Du lịch Paris (Pháp) cho thấy, lượng du khách nước ngoài giảm tới 60%.

Ngoài thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, sự xuất hiện và lây lan mạnh biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 cũng khiến mùa du lịch hè tại châu Âu bớt sôi động. Trước thực trạng bùng phát số ca mắc mới, nhiều quốc gia đã phải quay lại với các quy định giãn cách, giới nghiêm để kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí, ngay nội bộ một số nước EU cũng giới hạn qua lại, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.

Một công ty du lịch tại Montenegro cho biết, mùa hè năm ngoái, lượng đặt phòng giảm 10% so với thông thường, còn bây giờ là 30% và tiếp tục giảm nhanh. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thừa nhận rất khó cập nhật những thay đổi để phổ biến tới du khách, vì hiện các quốc gia có nhiều quy tắc quá khác nhau.

Tin cùng chuyên mục