Châu Âu: Điểm nóng mới về nhập khẩu vũ khí

Ngày 14-3, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố báo cáo thường niên về hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu, trong đó lưu ý sự gia tăng đáng kể hoạt động nhập khẩu của châu Âu.
Xe tăng Leopad A27 do Đức sản xuất
Xe tăng Leopad A27 do Đức sản xuất

An ninh bất ổn

Theo báo cáo, châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu vũ khí chủ yếu trong 5 năm qua với 43% hoạt động chuyển giao vũ khí toàn cầu. Khu vực này ghi nhận 6 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản. Nhập khẩu của Nhật Bản tăng gấp 2,5 lần, đưa nước này xếp vị trí thứ 10 trong số các nước nhập khẩu lớn nhất thế giới. 

Hoạt động nhập khẩu vũ khí tại Đông Á và châu Đại Dương ghi nhận các mức tăng lần lượt là 20% và 59%. Trung Đông là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chiếm 32% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Nhập khẩu vũ khí tại khu vực này có mức tăng nhiều trong 5 năm qua, chủ yếu do đầu tư ở Qatar trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng vùng Vịnh. 

Đặc biệt, châu Âu ghi nhận nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua tăng tới 19% so với 5 năm trước đó. Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết châu Âu hiện đã trở thành “điểm nóng mới”.

Ông Wezeman nhận định châu Âu sẽ tăng chi tiêu quân sự “không chỉ chút ít mà là rất nhiều”, và phần lớn là vũ khí nhập khẩu mới. Đơn cử, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự.

Báo cáo mới của SIPRI cũng cho thấy 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đã tiếp tục tăng doanh số bán hàng ngay cả trong đại dịch Covid-19, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Nhà nghiên cứu của SIPRI, Alexandra Marksteiner, cho biết: “Mặc dù sự suy giảm kinh tế toàn cầu ở mức 3,1%, nhưng chúng tôi thấy rằng doanh số bán vũ khí của 100 công ty hàng đầu này vẫn tăng với mức tăng tổng thể là 1,3%”.

Công nghệ thông tin quân sự

 Vẫn theo báo cáo mới, SIPRI đặc biệt xem xét vai trò ngày càng tăng của các công ty công nghệ trong kinh doanh vũ khí. SIPRI cho biết, trong những năm gần đây, một số gã khổng lồ ở thung lũng Silicon như Google, Microsoft và Oracle đã tìm cách tham gia sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh vũ khí và đã nhận về những hợp đồng béo bở.

SIPRI đưa ra ví dụ về thỏa thuận giữa Microsoft và Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 22 tỷ USD. Công ty đã được ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Mỹ một loại siêu kính, được gọi là Hệ thống tăng cường hình ảnh tích hợp, sẽ cung cấp cho binh sĩ thông tin chiến lược thời gian thực về chiến trường. Sự quan tâm của quân đội Mỹ đối với thung lũng Silicon là điều dễ lý giải.

Bà Alexandra Marksteiner nói: “Họ nhận ra rằng, trong các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán đám mây, chuyên môn của các công ty ở thung lũng Silicon này vượt xa những gì  từng biết trong ngành vũ khí truyền thống. Một số công ty trong số này đã lọt vào tốp 100 của SIPRI”.

Chính vì thế, ở nhóm các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu khi chiếm 39% xuất khẩu vũ khí toàn cầu và tăng 14% trong 5 năm qua. Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, nhưng thị phần đã giảm còn 19%. Pháp là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 với 11%, tiếp sau là Trung Quốc với 4,6% và Đức 4,5%. Doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu đạt tổng cộng 531 tỷ USD vào năm 2020, nhiều hơn sản lượng kinh tế của Bỉ. Khoảng 54% trong số này do 41 công ty Mỹ trong 100 công ty hàng đầu của SIPRI.

Tin cùng chuyên mục