Châu Âu chờ kết quả cuộc họp Normandy

Theo thông báo của điện Kremlin, hôm nay 9-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy sẽ gặp nhau tại Paris, trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Normandy. 
Đường ống dẫn dầu của Nga đến châu Âu đi qua Ukraine Ảnh: Gazprom.ru
Đường ống dẫn dầu của Nga đến châu Âu đi qua Ukraine Ảnh: Gazprom.ru

Đây là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, lãnh đạo các nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức sẽ gặp nhau để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. 

Trọng tâm thỏa thuận Minsk

Trước đó, phát biểu trước các binh sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine giữa các lực lượng được Nga ủng hộ và binh sĩ Ukraine khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy muốn nhất trí về việc trao đổi tất cả tù nhân còn lại với Nga. Ông Zeleskiy ngày 6-12 đã tới thăm các binh sĩ đang đối mặt với lực lượng do Nga hậu thuẫn trước khi sang tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm bộ tứ Normandy nhằm giải quyết cuộc xung đột.

Lần gần đây nhất, hội nghị thượng đỉnh của nhóm Normandy về tình hình Ukraine được tiến hành là vào năm 2016 tại thủ đô Berlin của Đức. Trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Andrei Ermak, khẳng định chính phủ mới của Ukraine đã tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận Minsk, trong đó có việc rút quân khỏi một số khu vực giới tuyến. Ông Ermak tuyên bố, các thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine cần được cụ thể hóa, đồng thời hy vọng nhận được sự ủng hộ của các đối tác phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh nhóm Normandy. Ngoài ra, ông Andrei Ermak cũng cảnh báo, nếu Nga không nhất trí về lệnh ngừng bắn và trao đổi tù nhân tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, Kiev sẽ xây bức tường để tách phần còn lại của nước này với vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Donbass. 

Điều kiện của Nga

Các cuộc điều tra dư luận cho thấy đang có sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Ukraine đối với những nỗ lực của Tổng thống Zelenskiy. Tuy vậy, vẫn có một số người ở quốc gia Đông Âu này lo ngại rằng ông sẽ nhượng bộ quá nhiều cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Cuộc gặp được dư luận châu Âu quan tâm trong bối cảnh hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga cho thị trường châu Âu được vận chuyển qua hệ thống ống dẫn trên lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới, và nếu không có một hợp đồng mới, tình trạng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung khí đốt cho châu Âu giữa mùa đông giá lạnh 2008-2009 hoàn toàn có thể lặp lại.

Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng truyền hình ngày 7-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, nước này sẽ không nối lại hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine cho tới khi hai bên nhất trí về tất cả những điểm mấu chốt trong một thỏa thuận. Trước đó, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán về việc cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá giảm đáng kể, cũng như đàm phán về vấn đề trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu. Ông Putin khẳng định, Nga đã sẵn sàng bắt đầu “công việc mang tính xây dựng” trong các lĩnh vực này. 

Tổng thống Vladimir Putin cũng kêu gọi vô hiệu hóa các kiện cáo tư pháp giữa Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine liên quan đến việc giải quyết nợ và ký kết hợp đồng vận chuyển khí đốt. Ông gọi quyết định của Ủy ban chống độc quyền Ukraine đòi Gazprom bồi thường 7 tỷ USD là vô lý.

Moscow cho biết, họ không muốn một “cuộc chiến khí đốt” với Ukraine như hồi năm 2009, dẫn tới ngắt quãng nguồn cung tại nhiều quốc gia châu Âu trước khi thỏa thuận hiện hành được ký kết. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 tới, và các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thay thế đang bị phức tạp hóa bởi các vấn đề chính trị trên.

Báo Washington Post ngày 7-12 bình luận, không có đột phá hòa bình lớn nào được mong đợi từ cuộc họp Normandy, nhưng các cuộc thăm dò dư luận lạc quan rằng, có thể có một số bước tiến tích cực.

Tin cùng chuyên mục