Châu Á và chìa khóa chống dịch giai đoạn mới

Làn sóng Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ ba đang tấn công nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, đưa khu vực này vào giai đoạn chống dịch mới được dự báo sẽ khó khăn bởi virus SARS-CoV-2 đã biến chủng với khả năng lây lan mạnh hơn.
Thông điệp đeo khẩu trang bên ngoài một phòng lấy mẫu xét nghiệm di động trên đường phố Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP
Thông điệp đeo khẩu trang bên ngoài một phòng lấy mẫu xét nghiệm di động trên đường phố Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Tái bùng phát nghiêm trọng

Gần 1 tháng qua, dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á khiến số ca mắc bệnh ở khu vực này tăng nhanh. Châu Á hiện đứng thứ hai thế giới về số ca mắc Covid-19, chỉ sau khu vực Bắc Mỹ. Ngày 6-8, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới và tử vong liên tục tăng. Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất, với hơn 1,96 triệu người, trong đó có 40.699 ca tử vong. Dịch Covid-19 cũng đang có dấu hiệu phức tạp tại Nhật Bản. Chính quyền thành phố Tokyo ngày 6-8 ghi nhận thêm 360 ca mắc bệnh, tăng 30% so với ngày trước đó. 

Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca nhiễm đã vượt con số 100.000 ca, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa trên đảo Luzon. Từ ngày 4-8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon, bao gồm cả thủ đô Manila, đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi tháng 6 nhằm hồi sinh nền kinh tế đã khiến các ca mắc mới tại Philippines gia tăng hơn 6 lần lên mức 112.593 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng gấp đôi lên khoảng 2.100 ca. 

Trong khi đó, Indonesia vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khu vực với 116.871 ca mắc Covid-19 và liên tiếp ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, cộng với số ca tử vong nhiều nhất Đông Nam Á. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng vừa ban hành Chỉ thị số 06/2020 liên quan đến việc tăng cường kỷ luật và thực thi pháp luật đối với các nghị định về y tế trong phòng chống và kiểm soát dịch. Chỉ thị của tổng thống đã siết chặt biện pháp trừng phạt khác nhau đối với những người vi phạm về quy định y tế. Ngay sau chỉ thị được ban hành, ngày 6-8, chính quyền thành phố Bandung đã bắt đầu áp dụng hình thức phạt hành chính đối với những cư dân không đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng. 

Nguyên nhân 

Lý giải về làn sóng dịch thứ hai tấn công châu Á, giới chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là do bị lây lan từ những ca ngoại nhập. Tại Hàn Quốc, gần 20 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu đánh cá nước ngoài cập cảng Hàn Quốc đã tiếp xúc với khoảng 200 người, từ đó gây ra các chùm lây nhiễm mới. Những ổ dịch mới tại 2 tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang của Trung Quốc được cho cũng bắt nguồn từ các ca ngoại nhập. Tại Việt Nam, các chuyên gia xác định chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới xâm nhập từ bên ngoài.

Ngoài ra, làn sóng thứ hai có cơ hội bùng phát là do không đảm bảo được giãn cách xã hội. Việc các nước dần mở cửa lại nền kinh tế, dỡ bỏ các lệnh giãn cách xã hội quá nhanh, trong khi một bộ phận dân nghèo phải ra đường mưu sinh, cũng là yếu tố tác động. Bên cạnh đó, các nhà khoa học xác định hiện virus SARS-CoV-2 đã biến chủng khó lường. Như chủng virus SARS-CoV-2 ở Hồng Công trong làn sóng này được đánh giá có khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây, tương tự như chủng mới phát hiện ở Đà Nẵng. Số ca bệnh không có triệu chứng ngày càng tăng, dẫn tới “sự lây nhiễm thầm lặng” khó kiểm soát.
Cho dù châu Á đang vất vả chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ hai, song Giáo sư y khoa Dale Fisher tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định châu lục này có khả năng kiểm soát dịch tốt. Về tổng thể, châu Á đang làm rất tốt nhờ vào hành vi của cộng đồng trong khu vực, là “cộng đồng người dân tôn trọng chính phủ, và chính phủ đang đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về những gì sẽ làm”. Đó có thể coi là chìa khóa để châu Á vượt qua những thách thức trong giai đoạn chống dịch mới.

Tin cùng chuyên mục