Châu Á - Thái Bình Dương: Sôi động thị trường fintech

Bất chấp suy thoái, lạm phát, fintech (công nghệ tài chính) vẫn trở thành thị trường đầy tiềm năng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều startup năng động, thị trường dân số trẻ. 

Tăng trưởng nhanh 

Thời gian qua, fintech đã tăng trưởng theo cấp số nhân nhờ sự phát triển nhanh chóng của thanh toán điện tử. Đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh quá trình số hóa ngành tài chính do sự chuyển dịch của người tiêu dùng và doanh nghiệp sang kỹ thuật số. Nằm trong số những khu vực phát triển ứng dụng công nghệ tài chính nhiều nhất thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ bùng nổ về chuyển đổi dịch vụ tài chính sang fintech.

Giờ đây, người châu Á có khả năng tiếp cận và quản lý quỹ tài chính của họ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Ứng dụng fintech hấp dẫn thị trường vì tính tiện lợi khi cung cấp các giải pháp thanh toán và thương mại di động, bao gồm các dịch vụ tương tự như chuyển tiền trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ, thanh toán hóa đơn điện nước, phiếu mua hàng. 

Cuối năm 2021, nhiều dự báo cho biết fintech sẽ tiếp tục thắng lớn trong cuộc đua hút vốn mạo hiểm trong năm 2022 ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhận định này đã phần nào được khẳng định khi chỉ trong quý đầu năm 2022, 186 thương vụ đầu tư với tổng giá trị 3,33 tỷ USD đã được rót vào các startup fintech khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Á - Thái Bình Dương: Sôi động thị trường fintech ảnh 1 Ứng dụng Paytm tại Ấn Độ được sử dụng trong chợ truyền thống

Lĩnh vực cho vay số ghi nhận ở mức cao trong quý 1, vượt qua tất cả các mảng khác trong hoạt động fintech với thành tích kêu gọi được 1,28 tỷ USD trong 52 thương vụ. Tiếp theo là ví điện tử, ứng dụng lập ngân sách cá nhân, tư vấn tự động tài chính và giao dịch chứng khoán online.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, đã có 1,4 tỷ USD được rót vào công ty công nghệ tài chính. Con số này đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu từ báo cáo công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence (Mỹ) công bố vào tháng 5-2022, Đông Nam Á đang chiếm khoảng 40% tổng lượng vốn đầu tư cho các công ty fintech ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Fintech News nhận định, đầu tư vào fintech trong quý 2-2022 vẫn tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực. Dù chưa có thống kê đầy đủ về hoạt động đầu tư vào fintech trong quý 2, nhưng có thể kể đến một số thương vụ kêu gọi thành công vốn đầu tư đáng chú ý ở các công ty công nghệ như: Voyager Innovations (210 triệu USD), Xendit (300 triệu USD), Pintu (113 triệu USD ).

Quy định tạo thuận lợi 

Do chính sách cởi mở, hành lang đầu tư thông thoáng, Ấn Độ nhanh chóng trở thành trụ sở của một số công ty fintech sáng tạo sở hữu các mô hình kinh doanh độc đáo, với những công nghệ và sản phẩm đột phá. Nhiều công ty fintech của Ấn Độ đã huy động được số vốn đáng kể và thu được kết quả ấn tượng trong vài năm qua. Hai trong số các công ty fintech nổi bật đang tạo nên làn sóng ở Ấn Độ là ứng dụng thanh toán di động PhonePe và Paytm, với sự phát triển theo cấp số nhân kể từ khi thành lập.

Trong quý 1-2022, các công ty Ấn Độ chiếm ưu thế trong nhóm startup fintech gọi vốn thành công ở châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, thị trường này chiếm tỷ trọng 42% và 34% lần lượt đối với tổng giá trị kêu gọi đầu tư thành công và số lượng thương vụ trong khu vực. Trong số 10 thương vụ đầu tư mảng fintech lớn nhất khu vực này có tới 5 cái tên đến từ Ấn Độ. Trong số đó là Pine Labs, một nền tảng dành cho các nhà bán hàng Ấn Độ.

Startup fintech Ấn Độ gọi vốn thành công nhất khu vực trong quý 1-2022 khi nhận 205 triệu USD vốn đầu tư. Quốc gia này đang sở hữu khoảng 2.100 fintech. Theo thống kê của công ty chuyên về dữ liệu người dùng Statista (Đức), Ấn Độ có số lượng kỳ lân cao thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương và có mức độ tập trung cao thứ ba trên toàn thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, ngành fintech Singapore thành công nhờ vào một môi trường cởi mở và năng động. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã được bình chọn là Ngân hàng Trung ương của năm (năm 2018) nhờ những sáng kiến fintech cũng như các nỗ lực giám sát và ổn định tài chính. Quốc đảo này cũng luôn đi tiên phong trong các hoạt động thanh toán kỹ thuật số với gần 500 doanh nghiệp fintech cung cấp các giải pháp từ thanh toán di động, thanh toán ngang hàng (P2P) và gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Tại Nhật Bản, chính phủ đã xây dựng một môi trường thuận lợi cho công ty fintech phát triển, sau khi xác định fintech là lĩnh vực tăng trưởng đầy hứa hẹn trong Chiến lược hồi sinh Nhật Bản năm 2016. Một số quy định như Đạo luật Ngân hàng đã được nhanh chóng sửa đổi vào tháng 5-2016 nhằm khuyến khích các ngân hàng thành lập các công ty con liên quan đến công nghệ thông tin để phát triển các doanh nghiệp fintech. Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) và TMG có các nhóm chuyên trách để thu hút các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài quan tâm đến việc mở rộng sang Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, sau khi công nhận fintech là động lực quan trọng để tạo việc làm và phát triển kinh tế, Ủy ban Dịch vụ tài chính nước này đã đưa ra sáng kiến có tên Khung pháp lý tài chính thử nghiệm (Financial Regulatory Sandbox) vào tháng 4-2019, cho phép các startup liên quan đến fintech thử nghiệm các dịch vụ mới với nhiều tự chủ.

Sự phát triển nhanh chóng của fintech tại Hàn Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng và đa dạng của hệ thống tài chính với việc thay thế và bổ sung cho các tổ chức tài chính hiện hữu và các chức năng truyền thống của thị trường.

Trong năm 2021, các khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty lĩnh vực fintech có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 15,69 tỷ USD, gấp đôi so với con số 6,73 tỷ USD của năm trước đó. Riêng ở Đông Nam Á, lĩnh vực công nghệ tài chính có mức đầu tư kỷ lục 4,7 tỷ USD của 217 giao dịch, so với mức 1,13 tỷ USD của 118 thương vụ trong năm trước đó.

Tin cùng chuyên mục