Châu Á tăng chạy đua vaccine Covid-19 để giảm tổn thất

Làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát mạnh khiến các nước châu Á phải chạy đua tìm nguồn cung vaccine Covid-19 từ nước ngoài. Đồng thời tăng tốc nghiên cứu, phát triển vaccine nội địa để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong nước nhằm giảm thiểu tổn hại về mặt con người lẫn kinh tế.
Phòng nghiên cứu vaccine tại Hàn Quốc
Phòng nghiên cứu vaccine tại Hàn Quốc

Mở rộng độ bao phủ vaccine 

Xét về độ bao phủ vaccine, châu Á vẫn còn ở tỷ lệ thấp. Theo số liệu của Our World in Data, chỉ có khoảng 20% người dân châu Á tiêm 1 liều vaccine, so với 37% ở châu Âu và 40% ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, tốc độ tiêm chủng của châu Á đang có dấu hiệu cải thiện. Gần 3/4 số ca tiêm chủng hàng ngày trên thế giới đang được thực hiện ở châu Á, tăng gấp đôi so với tháng 5-2021. Việc châu Á đẩy mạnh kế hoạch tìm nguồn cung vaccine được cho là sẽ góp phần đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu. 

Indonesia - quốc gia có ca mắc và tử vong cao kỷ lục châu Á vừa nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ, sau khi đã nhận 3 triệu liều trong tháng 6. Kể từ tháng 3 đến nay, thông qua cơ chế COVAX, nước này đã nhận 11,7 triệu liều AstraZeneca. Indonesia dự kiến đến cuối năm tiêm vaccine cho 208,2 triệu dân và đang thực hiện tiêm 1 triệu mũi mỗi ngày. 

Đầu tháng 7, Malaysia đã nhận 1 triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản tài trợ và nhận thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ. Bộ Y tế Malaysia xác định sẽ sử dụng vaccine cho nhân viên y tế, người cao tuổi và có bệnh nền. Còn Philippines đã nới lỏng các hạn chế của chính phủ đối với việc nhập khẩu vaccine của khu vực tư nhân, kêu gọi các công ty có được nguồn cung bất kể giá nào, khi nước này đang đối mặt với số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt. Philippines dự kiến nhận tổng cộng 16 triệu liều vào tháng 7. Trong đó, 3,2 triệu liều nhận từ Mỹ, 1,1 triệu liều của Nhật Bản và 132.000 liều Sputnik V của Nga. Chương trình COVAX cũng phân phối cho nước này thêm 2,28 triệu liều vaccine Pfizer. 

Dự kiến, trong tháng 7, Nhật Bản sẽ chuyển 11 triệu liều vaccine qua chương trình COVAX đến Bangladesh, Iran, Nepal, Sri Lanka, Lào và Campuchia.

Tự phát triển vaccine 

Bên cạnh việc tìm nguồn cung từ nước ngoài, các nước châu Á còn tăng tốc phát triển vaccine Covid-19 nội địa, với hy vọng khả năng có thể kiểm soát nhanh dịch bệnh. Mặc dù vaccine nội địa khó có thể kịp thời bù đắp cho chuỗi cung ứng bị giới hạn hiện nay nhưng theo giới chuyên gia y tế, cách tiếp cận này xứng đáng là một khoản đầu tư dài hạn. 

Tại Nhật Bản, ít nhất 4 công ty dược phẩm, trong đó có Daiichi Sankyo và Shionogi Pharmaceutical  đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 đối với một số ứng viên vaccine dựa trên cơ chế mRNA và công nghệ truyền thống. Theo Trung tâm Chế tạo vaccine quốc tế tại Tokyo, Nhật Bản dự kiến sẽ phát triển thành công 1 hoặc 2 loại vaccine nội địa vào nửa cuối năm 2022.

Hàn Quốc cũng có khoảng 5 hãng dược phẩm đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa. Trong đó, các ứng viên vaccine của Công ty Genexine và SK Bioscience hiện đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2. Lãnh thổ Đài Loan đang trông chờ thông tin về kết quả thử nghiệm từ các hãng dược phẩm nội địa như Adimmune, Vaccine Biologics hay United Biomedical. Riêng Trung Quốc, từ năm 2020 đến nay có tổng cộng 21 loại vaccine Covid-19 được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 4 loại vaccine được cấp phép lưu hành có điều kiện và 3 loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước.

Trong khi đó, tại Ấn Độ đang cho sử dụng rộng rãi hơn 21 triệu liều vaccine nội địa Covaxin. Loại vaccine này được phát triển từ hãng dược Bharat Biotech và Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cam kết tiêm chủng cho toàn dân vào cuối năm 2021. Công ty Công nghệ sinh học Gennova Biopharmaceuticals có trụ sở tại Pune cũng đã bắt đầu đăng ký thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho vaccine Covid-19 với tên gọi HGCO19.

Indonesia tuyên bố sẽ sớm hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 vào cuối năm nay. Loại vaccine nội địa này có tên Merah Putih, được nghiên cứu bởi Đại học Indonesia và Viện Khoa học Indonesia, dự kiến có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022.

Tin cùng chuyên mục