Châu Á chuyển hướng tìm thị trường du lịch mới

Sự kiện các quốc gia châu Á dần nới lỏng quy định hạn chế và từng bước mở cửa đón du khách đã làm giảm áp lực đối với các công ty du lịch. Tuy nhiên, việc Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất thế giới, duy trì công suất hàng không quốc tế chỉ ở mức 2% và chưa nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại khiến các công ty du lịch phải tìm hướng đi mới.
Đảo Phuket của Thái Lan
Đảo Phuket của Thái Lan

Trước đại dịch Covid-19, du khách Trung Quốc chi khoảng 255 tỷ USD cho du lịch mỗi năm. Việc Trung Quốc đóng cửa gây ra thiệt hại nặng cho các hãng khai thác du lịch trên thế giới, trong đó có Công ty Laguna Phuket của Thái Lan. Giám đốc điều hành Laguna Phuket, ông Ravi Chandran, cho biết, 5 khu nghỉ dưỡng của công ty đã chuyển trọng tâm tiếp thị sang các quốc gia châu Âu, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để bù đắp cho khoản thiệt hại đến từ du khách Trung Quốc, lượng khách từng đóng góp 25%-30% tổng doanh số trước khi dịch bệnh bùng phát. Theo ông Chandran, công ty không thực hiện các hoạt động tiếp thị hoặc quảng cáo quan trọng ở Trung Quốc, bởi vì “rất khó để du khách Trung Quốc lựa chọn Thái Lan tại thời điểm này”.

Theo dữ liệu của Bộ Du lịch Thái Lan, đại dịch Covid-19 đã làm giảm khoảng 50 tỷ USD doanh thu du lịch mỗi năm của nước này, trong đó nguồn thu đến từ du khách Trung Quốc rất lớn. Với việc mở cửa lại các địa điểm du lịch ngoài khu Phuket, Thái Lan hy vọng sẽ đón 180.000 khách du lịch nước ngoài trong năm 2021, rất nhỏ so với số lượng trước đại dịch là 40 triệu (năm 2019).

Nhận định về việc các quốc gia khác tìm cách giảm phụ thuộc vào du khách Trung Quốc, Giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (PATA) Liz Ortiguera cho rằng, ngành du lịch cần xác định các thị trường mới cũng như học cách tiếp thị và phục vụ các nền văn hóa khác nhau. Bà Liz Ortiguera nêu Maldives là ví dụ điển hình cho việc áp dụng hiệu quả phương pháp này. Trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc từng là nguồn khách du lịch lớn nhất đối với Maldives, tuy nhiên lượng du khách tới quốc gia này trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys ước tính phải đến năm 2025, hoạt động du lịch quốc tế của Trung Quốc mới có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Điều này cũng buộc các hãng hàng không phải đánh giá lại các tuyến bay, do dữ liệu của họ cho thấy 38% khách du lịch Trung Quốc sử dụng các hãng hàng không nước ngoài trong năm 2019.  Singapore, Thái Lan và Bali của Indonesia dần mở cửa cho du khách quốc tế, các hãng hàng không Thai Airways và Garuda Indonesia đang thu hẹp đáng kể số lượng máy bay như một phần của kế hoạch tái cơ cấu để thích ứng với thực tế thiếu hụt du khách từ Trung Quốc.

Trong khi đó, theo các cuộc khảo sát gần đây, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, nhiều người Trung Quốc không muốn đi du lịch quốc tế do lo ngại nguy cơ lây nhiễm. Một trong những nguyên nhân khác là người dân Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi du lịch trong nước, nơi cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế.

Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc Wolfgang Georg Arlt cho biết thị trường sẽ thay đổi, vì vậy người Trung Quốc đi du lịch vào năm 2022 sẽ khác với người Trung Quốc đi du lịch vào năm 2019… Các xu hướng đổ xô đi mua sắm và du lịch sẽ dần hạn chế. Các chuyến du lịch theo nhóm lớn không còn được ưa chuộng và được thay thế bằng các chuyến du lịch độc lập theo nhóm nhỏ với gia đình, bạn bè.

Tin cùng chuyên mục