Chật vật chi tiêu trong cơn bão giá

Cân nhắc giá rau củ, thịt cá, Trần Tấn Nguyên (21 tuổi, sinh viên năm 3, Đại học Bách khoa TPHCM) chốt lẹ với bạn cùng phòng: “Thôi, ăn cơm bụi cho rồi!”. Câu chuyện giá thịt heo tăng mạnh, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng, khiến chuyện chi tiêu cuối năm của nhiều người không ít chật vật, nhất là cánh sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Cơm hàng cháo chợ cũng tăng

Để tiết kiệm tiền sinh hoạt phí, ngay từ năm nhất, Trần Tấn Nguyên cùng Thanh Hùng (22 tuổi, sinh viên năm 3, Đại học Bách khoa TPHCM) chọn cách nấu ăn tại phòng trọ. Tuy nhiên, gần một tháng nay, hai bạn trẻ này lại chuyển qua cơm bụi.

“Ra chợ rảo mấy vòng, thịt mắc quá, rồi rau quả thứ gì cũng lên giá, nên hai đứa quyết định ăn cơm bụi cho lẹ, chứ nấu nướng chi nữa cho cực”, Nguyên kể lại. Tiếp lời Nguyên, Thanh Hùng cũng thở dài: “Hồi trước, cầm 50.000 đồng mua thịt kho đủ hai đứa ăn trưa tới chiều, bây giờ mà mua 50.000 đồng thì không đủ. Nấu ăn cho tiết kiệm mà cái gì cũng mắc, thà ăn quán đỡ phải rửa chén”.

Không chỉ sinh viên, cánh công nhân, người lao động thu nhập thấp cũng chọn giải pháp cơm quán, để đỡ phải đắn đo chuyện đi chợ. Tan ca chiều lúc 5 giờ, chị Nguyễn Thị Hạnh (28 tuổi, công nhân Công ty PouYuen, quận Bình Tân) cho biết: “Mấy bữa nay, tôi có nghe chị trong phòng đi chợ nói mua cái gì cũng mắc, không biết nấu nướng sao cho hợp lý. Vậy nên cả phòng 3 người rủ nhau đi ăn cơm bụi, ngoài chợ cái gì cũng lên giá, bây giờ ăn cơm ngoài cũng không mắc hơn tiền đi chợ bao nhiêu”.

Chật vật chi tiêu trong cơn bão giá ảnh 1 Bữa cơm sinh viên vốn đã tiết kiệm, nay càng đạm bạc hơn khi thịt heo đang “bão giá”

Trong khi đó, nhiều quán ăn treo bảng thông báo lên giá vì giá nguyên liệu tăng, có quán thì chủ quán thông báo bằng miệng với khách. Anh Trọng Lư (chủ quán cơm ở quốc lộ 50, huyện Bình Chánh) kể: “Khoảng 3 tuần nay, đặc biệt là mấy ngày này quán cũng bán lên giá mà không dám tăng nhiều, tùy theo món mà tăng cỡ 3.000 - 5.000 đồng. Khách cũng dân lao động, công nhân thôi, mắc quá thì họ ăn sao nổi, mà giữ nguyên giá cũ thì mình lỗ, vì thịt heo lên giá kéo theo mấy món khác như rau cải cũng tăng luôn. Tiệm cũng bớt số lượng sườn nướng mỗi ngày lại, thêm mấy món cá, gà, vịt cho khách trở món”.

Chuyện cơm hàng cháo chợ tăng giá khiến dân văn phòng cũng “chóng mặt”. Vừa gọi phần cơm trưa 30.000 đồng, Trúc Phương (24 tuổi, nhân viên y tế ở quận 3) cho hay: “Mấy hôm trước chỉ có 25.000 đồng thôi, nay tới 30.000 đồng. Nói 5.000 đồng thì thấy không bao nhiêu, nhưng dân văn phòng, lao động có phải ăn một ngày hay một bữa đâu. Kể ra cũng ảnh hưởng tới chuyện chi tiêu lắm, nhưng phải chịu thôi, vì tình hình chung chỗ nào cũng vậy, mấy quán cơm gần chỗ tôi làm đều tăng giá, chứ không riêng gì quán này”. Tiếp lời Phương, Văn Thành (26 tuổi, quận 3) cũng thở dài: “Đâu chỉ có cơm, hôm qua, tui mua ổ bánh mì cũng tăng thêm 3.000 đồng rồi”.

Đau đầu tính toán chuyện đi chợ

Theo cô Nguyễn Thị Thanh (52 tuổi, một tiểu thương tại chợ Bàn Cờ, quận 3), thịt ba chỉ hay sườn non từ 230.000 đồng/kg trở lên, có bữa sườn non hơn 250.000 đồng/kg. Tại các chợ khác, giá thịt heo cũng ở mức ngất ngưởng, rau cải và các loại thịt khác cũng tăng đều. 

Phân vân chưa biết mua món gì cho cả phòng ăn cơm trưa và chiều, Dương Thị Trang (24 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 5) cho biết: “Trong phòng tôi, nhân viên văn phòng, sinh viên ở chung với nhau, nên đi chợ cũng tiết kiệm lắm chứ không thoải mái. Bữa nay, ra chợ nhìn giá thịt mà chóng mặt, mua ít quá thì không đủ ăn, mua nhiều thì hụt tiền, nãy giờ tôi chỉ đi tới đi lui chứ chưa dám hỏi mua món nào hết, rau xanh các loại cũng lên giá luôn”.

Tính toán lại chuyện đi chợ và nấu cơm trong phòng, Phương Thảo (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) cùng nhóm bạn, cho hay: “Mấy tuần nay, cả phòng em ăn uống tiết kiệm hơn, mọi khi khoảng 50.000 đồng trở xuống có thịt, có rau rồi. Bữa nay, có miếng thịt nhỏ xíu mà gần 70.000 đồng, mua rau nữa là gần 100.000 đồng. Giờ đi chợ mỗi ngày, phải tính toán mua ít thịt lại, ăn nhiều rau hoặc mua thêm trứng về chiên. Có bữa tính chuyện đi chợ mua cái gì, cả nhóm đùa với nhau, mua đồ ăn chay luôn cho lẹ, ăn rau cho đỡ tiền”. 

Ở phòng trọ, chuyện ăn uống xen kẽ, có bữa đi chợ nấu ăn, bữa thì cơm bụi, Xuân Linh (21 tuổi, sinh viên, ngụ quận Tân Bình) than thở: “Em thì không đi chợ nên cũng không rõ giá cả sao, còn ăn cơm tiệm cũng có thấy thông báo lên giá, nhưng em không để ý cho lắm. Bữa nay, ngồi kiểm tra lại tiền sinh hoạt mới biết tháng này phải xin thêm ba mẹ ở quê gửi vô, nếu không thì không đủ chi phí. Tưởng đâu chuyện thịt lên giá không ảnh hưởng lắm, nhưng mỗi thứ tăng một chút, gom lại thành nhiều, chuyện chi tiêu cũng nhức đầu luôn”.

Tin cùng chuyên mục