Chất lượng sitcom truyền hình bị bỏ ngỏ

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình sitcom ngày càng nhiều. Hiểu một cách đơn giản nhất, đây là thể loại hài kịch tình huống dài tập, xoay quanh chủ đề, câu chuyện cụ thể nào đó, xen lẫn các tình huống, lời thoại hài hước. 

Sau những loạt sitcom ăn khách, sitcom Việt và những kịch bản Việt hóa bắt đầu nhàm chán. Ví dụ một đài truyền hình địa phương với nhiều chương trình về nhạc bolero ăn khách liên tục tung ra các sitcom truyền hình.

Ban đầu, phim thường khai thác đề tài nhà nông, miệt vườn Tây Nam bộ, kinh nghiệm đồng áng, làm vườn xen lẫn bài học tình làng nghĩa xóm, những phong tục đẹp của quê hương bị phai nhạt dần trong tốc độ đô thị hóa. Câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị khiến người xem như tìm được chính mình qua những tình huống trong phim hoặc rút ra những bài học hữu ích. Tuy nhiên, liên tục sau đó là 2 bộ phim sitcom khiến khán giả chỉ muốn chuyển kênh. 

Đề tài sui gia - một đề tài gia đình luôn thu hút khán giả, nhưng màn “khẩu chiến” đến “đại chiến” của sui gia trong phim từ khó hiểu đến vô lý không thể hiểu nổi. Khi mâu thuẫn mà nội dung phim đưa ra tưởng chừng đã hóa giải thì sóng gió lại tiếp tục ngăn cấm con cái hai gia đình đến với nhau chỉ vì: “Bây giờ, không thích cho cưới nữa”… 

Hay một sitcom mới đang chiếu khiến chúng tôi ngỡ ngàng với tình huống gần như rất hiếm. Phim xoay quanh những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu; đỉnh điểm là người mẹ đơn thân đi thêm bước nữa và cô con gái lại đem lòng yêu em trai của bố dượng, người mà cô phải gọi bằng chú. Cử chỉ, hành động, ánh mắt, lời thoại là của những cặp đôi đang yêu nhau, nhưng cách xưng hô lại là chú - cháu, khiến người xem không chỉ thấy khó chịu mà gần như là phản cảm trong mối quan hệ này.

Với một số sitcom mua kịch bản từ các phim ăn khách ở châu Á, khi được Việt hóa lại cũng không khá hơn là bao. Nội dung các tập phim lủng củng, diễn viên ngoại hình đẹp, thời trang bắt mắt nhưng lời thoại gần như không cảm xúc, hoàn toàn không chút nhấn nhá, kể cả diễn xuất qua ánh mắt cũng không ra được cái thần nhân vật.

Sitcom là thể loại phim truyền hình khá được khán giả quan tâm, nhất là khán giả trẻ, bởi đề tài dòng phim này thường bắt kịp những sự kiện thời sự, xu hướng mới và là bệ phóng hiệu quả cho diễn viên trẻ. Tuy nhiên, dòng phim này lại ít được đầu tư về bối cảnh, nội dung kịch bản chưa thực sự chất lượng, kể cả diễn viên. Một số diễn viên đã thành công với phim truyền hình lẫn điện ảnh, nhưng khi tham gia sitcom lại thể hiện rõ điểm yếu như: đài từ không đẹp, thoại thiếu cảm xúc và kể cả cách diễn cũng cứng đơ.

Trong xu hướng xem và nghe nhanh của một bộ phận lớn khán giả như hiện nay, sitcom là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với phim truyền hình, bởi tình huống trong phim được giải quyết nhanh. Tuy nhiên để dòng phim này có chỗ đứng và khẳng định được giá trị giải trí của mình cần sự đầu tư bài bản về kịch bản, con người, dù chỉ trong vài 
cảnh quay ngắn.

Tin cùng chuyên mục