Chặt chẽ nhưng không được gây đổ vỡ

Phiên bản thứ 5 dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại do có thể sẽ khóa chặt kênh huy động vốn này.

Theo dự thảo, tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ phải đáp ứng các điều kiện như: kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu. “Nhiều người nói rằng, thị trường TPDN gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nói và cho rằng, điều quan trọng hiện nay là tập trung hoàn thiện quy định xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt có thể theo quy định theo cách “đánh đổi”. Ví dụ, doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần, hoặc có thêm 1-2 điều kiện về phát hành. Bởi, xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không có xếp hạng tín nhiệm thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện.

Theo các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành và là giải pháp cơ bản mà các nước thường sử dụng. Do vậy, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định được chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Trong đó, cần phải xác định những trường hợp bắt buộc/khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng gây không ít băn khoăn từ giới chuyên gia kinh tế. Theo dự thảo, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp phải nắm giữ danh mục chứng khoán tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào?”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu: Theo Luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Và, trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cũng cho rằng, quy định như dự thảo sẽ dễ bị nhà đầu tư “lách” bằng cách mua trái phiếu Chính phủ hoặc chứng khoán trong thời gian ngắn rồi bán. Do đó, cần sửa quy định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán trong vòng 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và khoảng 15% GDP. Mục tiêu đến năm 2025 và 2030 tỷ lệ này là lần lượt là 20% GDP và 25% GDP. Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 tỷ đồng - 1 triệu tỷ đồng vốn trung, dài hạn.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường TPDN là vô cùng quan trọng. Do đó, việc sửa đổi, bịt các lỗ hổng là cần thiết nhưng phải làm sao không kìm hãm sự phát triển của thị trường TPDN, đồng thời hết sức cân nhắc các biện pháp can thiệp có thể dẫn đến sự đổ vỡ của thị trường.

Tin cùng chuyên mục