Chặt bỏ cây đa ở đình Chèm: Tùy tiện trong ứng xử với di sản

Ngỡ ngàng và phẫn nộ là cảm giác đầu tiên khi phải đối mặt với phần còn lại của gốc đa khổng lồ nằm ngay trước đình Chèm - Di tích cấp quốc gia đặc biệt (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bộ rễ nhô lên mặt đất tạo thành một vầng lớn với đường kính cỡ 2m, vết chặt đỏ au, vẫn còn rất mới…

Không phải tự phát

Nằm ven bờ sông Hồng, đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm). Trải qua thời gian, đình đã nhiều lần được tu sửa, song kiến trúc của đình Chèm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Thông tin về việc cây đa lớn nằm ngay phía ngoài cổng đình bị chặt hạ đã khiến nhiều người yêu di sản bức xúc, lo lắng cho ngôi đình cổ được khởi dựng hơn 2.000 năm. Cây đa uy nghi nơi cổng đình là một trong những điểm nhấn khó quên với mỗi người khi đến với Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, bởi vậy nhìn hình ảnh cây đa bị chặt chỉ còn trơ gốc khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, phẫn nộ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Quang Long cho hay: “Những cây lớn mọc trong khu vực đình, đền, phủ, chùa... là một nét đặc trưng góp phần tạo nên văn hóa cảnh quan của người Việt. Riêng với đình Chèm, một di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong tâm thức của nhiều người dân Hà Nội, là một trong những chốn linh thiêng. Song, việc chặt một cây lớn có giá trị gắn liền với một di tích mang yếu tố tâm linh (cây đa lại ở bên đình) không thể là việc làm tự phát của một cá nhân. Vậy nên, cần có giải thích, hoặc câu trả lời rõ ràng từ địa phương”. 

Chặt bỏ cây đa ở đình Chèm: Tùy tiện trong ứng xử với di sản ảnh 1 Cây đa bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc rễ

Thông tin về cây đa này, ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết đình Chèm, cho biết, cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Do tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây sẽ gây nguy hiểm nên ngày 18-3, cây đa trước cổng nghi môn đình Chèm bị chặt hạ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đề nghị chặt hạ cây đa này bắt đầu từ năm 2021, với những đề nghị của ban Tế tự, ban Khánh tiết đình Chèm gửi lên các cấp chính quyền.

Tháng 7-2021, trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, bà Loan cũng đề nghị, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền quyết định, Ban Khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Nhưng sự việc vẫn xảy ra.

Đặt di sản lên trên hết

Vụ việc tự ý chặt hạ cây đa trước cổng đình Chèm được phát hiện trong quá trình di tích đang tiến hành tu sửa cấp thiết. Trên tấm pano về dự án được trưng ngay tại đình không chỉ nói rõ về quy mô đầu tư với các hạng mục tu sửa, mà hình ảnh tổng thể của đình vẫn còn nguyên cây đa lớn ở phía trước.

Xót xa cho di sản, TS Nguyễn Hồng Kiên, người nhiều năm nghiên cứu về đình cổ, cho biết đã nhiều lần ông đến đình Chèm và những hình ảnh về cây đa ở di tích gây ấn tượng mạnh. Theo ông, một cái cây lớn đã tồn tại 20 năm ở một di tích đặc biệt quan trọng như vậy thì mỗi tác động dù lớn hay nhỏ đều phải cân nhắc kỹ và không thể tùy tiện chặt bỏ. 

Cũng liên quan tới việc chặt bỏ cây trong di tích, năm 2009, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Voi Phục, để loại bỏ hai cây bồ kết đã sâu đục mục ruỗng phía sau, ban quản trị đền đã xin thỏa thuận với Cục Di sản Văn hóa, Sở VH-TT-DL Hà Nội (nay là Sở VH-TT), Ban Quản lý di tích danh thắng. Dù đã xin thỏa thuận nhưng việc chặt cây trong di tích khi ấy cũng không khỏi dấy lên lo ngại, bởi cây xanh không chỉ là bóng mát mà còn tạo nên cảnh quan, là một phần gắn bó mật thiết với di tích.

Chặt bỏ cây đa ở đình Chèm: Tùy tiện trong ứng xử với di sản ảnh 2 Cây đa ngay cổng đình Chèm trước khi bị chặt. Ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU

Trao đổi với PV Báo SGGP về hiện tượng xin loại bỏ cây xanh trong di tích, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Trong hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích do Bộ VH-TT-DL thẩm định, nhiều dự án đều có phương án di dời dịch chuyển dựa trên sự chủ động đề xuất của ban quản lý di tích và ngành văn hóa của địa phương, cho thấy cây đó cần thiết phải di dời”.

Còn nếu đánh giá cây đó là cây bụi, cây mới, chủng loại cây không phù hợp với tính chất di tích thì cân nhắc giữa hiệu quả di dời với chặt bỏ xem phương án nào hiệu quả hơn thì xem xét trên khía cạnh đó. Nếu cây đó có giá trị cảnh quan thì lại xem xét việc di dời để bảo vệ cảnh quan với hiệu quả về kinh tế. “Quan điểm nhất quán là phải đặt di sản lên trên hết”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh. 

Diễn biến của sự việc này không bất ngờ mà sự “lạ” là ở việc chặt hạ một cái cây lớn chỉ còn trơ gốc rễ ở một vị trí đặc biệt nằm trong tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt như đình Chèm rõ ràng không dễ gì giấu giếm, nhưng chỉ khi dư luận lên tiếng, ngành văn hóa, địa phương mới vào cuộc. Ngay tại thủ đô Hà Nội, tại sao di sản vẫn bị ứng xử như vậy, mới thực sự là câu hỏi trăn trở nhất?

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, nhiều cấu kiện của đình Chèm bị bóc dỡ tan hoang, vật liệu cũ, mới ngổn ngang không hề có dấu hiệu của việc bảo vệ. Chỉ đến chiều 25-3, khi có đoàn kiểm tra của Sở VH-TT Hà Nội tới làm việc mới thấy bắt đầu thực hiện việc bao bọc.

UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo UBND phường Thụy Phương cùng Phòng VH-TT và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, qua đó kết luận đánh giá hành động chặt hạ cây đa của Ban Khánh tiết đình Chèm là không đúng quy định. Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin “rút kinh nghiệm”.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết, đã yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội báo cáo sớm trong tuần tới.

Tin cùng chuyên mục