Chào sông Mã anh hùng

“Chờ gió lên đưa thuyền về… Lừng lẫy chiến công Hàm Rồng đó, đây bóng cầu ghi sức mạnh quân dân ơi. Ta yêu con sông quê hương yêu những con người bất khuất kiên cường ơ…”. Bài hát Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao không chỉ là “tỉnh ca”, là “chỉ dấu” cho các chương trình văn nghệ của Thanh Hóa, về Thanh Hóa mà đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm mỗi người con xứ Thanh.
Chào sông Mã anh hùng

“Chờ gió lên đưa thuyền về… Lừng lẫy chiến công Hàm Rồng đó, đây bóng cầu ghi sức mạnh quân dân ơi. Ta yêu con sông quê hương yêu những con người bất khuất kiên cường ơ…”. Bài hát Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao không chỉ là “tỉnh ca”, là “chỉ dấu” cho các chương trình văn nghệ của Thanh Hóa, về Thanh Hóa mà đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm mỗi người con xứ Thanh.

Tuổi thơ và “người thiếu niên dũng cảm”

Cầu Hàm Rồng ngày nay

Tôi sinh ra và lớn lên sau sự kiện chiến thắng Hàm Rồng năm 1965 hàng chục năm. Nhưng, “hình bóng” của cầu Hàm Rồng, của sông Mã cùng những trận chiến oanh liệt vẫn hiển hiện ở làng Quang Vinh của tôi - một làng quê ở huyện Đông Sơn, cách cầu Hàm Rồng tầm 10km. Dấu tích thời Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, dấu tích thời bom đạn vẫn hằn lên bao nét mặt thế hệ ông bà, cha chú khi ấy. Dấu tích ấy còn là vệt một mảnh bom cắt phăng phần trước của cái tủ gỗ sơn son thếp vàng mà ông ngoại tôi rất quý. Dấu tích ấy còn là một quả bom bi tròn như quả vú sữa nằm lăn lóc bên đống rơm cạnh nhà. Dấu tích ấy còn là cái dáng ông Hùng Nhự bị trúng bom mất một chân mỗi khi di chuyển phải cà nhắc bên đôi nạng. Dấu tích bom đạn còn “ăn” vào cả cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình. Mẹ tôi tận dụng cái mũ sắt bỏ đi của bộ đội pháo binh để làm cối, lấy vỏ một loại đạn (tôi không rõ đạn gì) để làm chày. Vậy là gia đình tôi có được bộ dụng cụ làm bếp độc đáo. Có một vỏ bom nổ không “banh xác” hết, còn xót lại cái đầu quặn xé như cái cổ chai thủy tinh vỡ được hợp tác xã treo trên cây làm kẻng…

Ngày ấy, cứ đến mùa hè, chúng tôi lại được tập nghi thức đội, được tổ chức hội trại rất vui. Đêm đêm, dưới ánh lửa phập phù được phát ra từ ngọn đuốc đốt bằng lốp cao su, chúng tôi đi đều, xếp đội hình theo những bài hát. “Đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu. Vang chiến thắng hôm nào có tên của anh…”. Đó là bài hát Nguyễn Bá Ngọc - Người thiếu niên dũng cảm của nhạc sĩ Mộng Lân. Các anh chị phụ trách đội kể, anh Nguyễn Bá Ngọc là người Thanh Hóa. Ngày 4-4-1965, Mỹ tiếp tục đánh phá cầu Hàm Rồng trong đó có quê anh Ngọc. Sáng hôm ấy, bố mẹ đều đi làm đồng, khi có máy bay đến, Ngọc đưa các em của mình xuống hầm trú ẩn. Vừa lúc ấy, sau loạt bom thì nghe có tiếng khóc, tiếng kêu la rất gần. Ngọc chui lên khỏi hầm thì phát hiện bạn Khương nhà bên bị trúng bom, mấy đứa em Khương sợ quá đang gào khóc. Bất chấp hiểm nguy Ngọc lao lên, chạy sang đưa các em xuống hầm trú ẩn bên nhà mình, nhưng anh đã trúng bom. Anh đã hy sinh vào 2 giờ sáng ngày 5-4 khi mới bước sang tuổi 14. Ngày Nguyễn Bá Ngọc trúng bom và hy sinh cũng là ngày quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn, quân và dân Thanh Hóa lập kỳ tích, tạo nên chiến thắng Hàm Rồng lừng lẫy.

Những “bông huệ trắng” bên sông

Cầu Hàm Rồng đang ngày càng “thu mình” lại bởi sự ra đời của những công trình mới như Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng, cầu Hoàng Long, Công viên Hàm Rồng… Với những người xa quê, về thấy cảnh này cũng có chút bùi ngùi, nhưng rồi tự an ủi rằng cầu Hàm Rồng đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của nó, “lui về ẩn” thì đã sao? Nhưng có một niềm an ủi lớn, ấy là bia tưởng niệm các giáo viên, học sinh Trường Y sĩ và Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa đã được dựng lên bên bờ sông Mã, cách cầu Hàm Rồng không xa. Bia tưởng niệm mang hình bông hoa huệ nhắc nhớ rằng, chính nơi đây, vào năm 1972, Mỹ tiếp tục ném bom phá hoại cầu và tuyến đê trọng yếu này. Trước tình hình đó, Bộ Thủy lợi yêu cầu Thanh Hóa phải mở rộng 3 vị trí đê, trọng điểm là vị trí đê số 1 cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km. Tỉnh Thanh Hóa đã điều động trên 5.000 dân công thuộc 3 huyện, thị xã và giáo viên, học sinh 5 trường tham gia đắp đê. Sáng 14-6-1972, máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện và ném bom xuống công trường đang thi công. 64 giáo viên, học sinh hai trường, dân công huyện Đông Sơn hy sinh; 96 người khác bị thương. Phần lớn những người hy sinh là nữ sinh và tuổi đời còn rất trẻ. Những bóng áo blu trắng, áo dài trắng của các y bác sĩ, các cô giáo tương lai như những “bông huệ trắng” mãi neo lại bên bến sông này.

Chào “cô dân quân hiên ngang”

Sau bao lần ngần ngừ, cho đến bây giờ, tôi mới dám mon men tìm gặp người nữ dân quân anh hùng Ngô Thị Tuyển làng Nam Ngạn năm nào. Nói “mon men” bởi có bao nhiêu người cùng thời, rồi sau này biết về bà, viết về bà quá nhiều. Bà ngần ngại khi tôi đề nghị kể về sự việc đã qua, nhưng rồi dần dần câu chuyện cũng cuốn bà quay về thời điểm của 50 năm trước. Ngày 3-4-1965, bà cùng một số dân quân khác được phân công đi bắt phi công nhảy dù. Nhưng khi lên đường đê, thấy một tàu thủy đang ở gần bờ bắc loa kêu gọi mọi người xuống đưa thương binh, liệt sĩ lên bờ, bà và mấy chị em bơi ra làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau, ngày 4-4, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom dữ dội xuống khu vực cầu Hàm Rồng. Cấp trên giao nhiệm vụ cho một bộ phận dân quân tiếp đạn cho bộ đội. Lúc đó, vừa có một xe chở đạn tới. Trong quá trình lấy hòm đạn ra để vác đi thì có hai hòm đóng đai sắt dính nhau, mọi người cạy tách mãi không ra được. Nghĩ nếu chậm trễ bộ đội sẽ thiếu đạn nên bà nói mọi người đưa cả hai hòm đạn lên vai rồi phăng phăng bước như chạy đến trận địa pháo. Lúc đó, bà chỉ 42kg trong khi hai hòm đạn nặng 98kg. Sau này, có đoàn nhà báo nước ngoài sang thăm, nghe kể đã không tin kỳ tích này. Họ “thách” bà làm lại. Bà đã thực hiện bằng việc vác bao gạo và khoai tây với trọng lượng lên đến 105kg.

Bà chợt buồn, bảo: “Có cái anh nhà báo nào đó đến mượn cô bức ảnh cô được chụp với Bác Hồ, sau đó cầm đi luôn không thấy đem trả lại. Đó là bức ảnh quý của cô”. Rồi bà chợt cười “khoe” vừa có một doanh nghiệp nhận tài trợ cho các buổi gặp mặt kỷ niệm của cựu chiến binh Khối phố Trường Thi 1. Sau khi về hưu, bà tham gia Thường vụ Hội Cựu chiến binh Khối phố Trường Thi 1, đã được 2 khóa. Vừa rồi bà còn vận động được 37 triệu đồng cho 5 hội viên khó khăn vay để làm ăn. Nói đến chuyện làm ăn, tiết kiệm, bà cười: “Đến giờ cô vẫn tự hào mình còn chăn nuôi, còn nấu bằng bếp than tổ ong. Cái nhà cháu đang ngồi này làm 3 lần mới hoàn thành đấy”. Tôi nhận thấy bà có vẻ buồn nên ngỏ ý muốn đưa bà ra đê sông Mã, lên cầu Hàm Rồng hóng gió. Bà từ chối vì lưng đang đau. Tôi tiếc bởi rất muốn được ghi vào ống kính, vào tâm trí khoảnh khắc người nữ dân quân năm xưa đứng trước cây cầu lịch sử và dòng sông quê hương cất lên đôi lời mộc mạc: “Hùng vĩ đứng bên Hàm Rồng đó, cau chuối bờ Nam Ngạn tươi xanh ơi. Bên cô dân quân hiên ngang mãi mãi vang cùng sông Mã kiên cường ới…”.


DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục