Chạnh lòng sân khấu dân gian: Cái khó chồng chất

LTS: Nếu vệt bài “Vàng son thuở ấy, nhạt phai lúc này” (Báo SGGP từ 1 đến 3-11), phản ánh về sự đậm - nhạt của loại hình trăm năm đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ, thì với “Chạnh lòng sân khấu dân gian”, chúng tôi muốn đem đến độc giả những góc nhìn khác về các loại hình sân khấu truyền thống phía Bắc. Những chèo, tuồng, hát xẩm… cũng eo sèo, vật vã sinh tồn với thời cuộc.  

Cảnh Thị Mầu lên chùa trong vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Hà Nội
Cảnh Thị Mầu lên chùa trong vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Hà Nội

Không thể đổ lỗi cho Covid-19 làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội cả nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VH-NT), mà ngay cả khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì nghệ thuật truyền thống phía Bắc cũng đã đủ lao đao. Vấn đề không còn mới nhưng tới tận thời điểm này, các nghệ sĩ, các nhà hát truyền thống sau nhiều năm vẫn tiếp tục loay hoay, tìm cách trụ lại với nghề.

Tập trung vào liên hoan, thi cử

Vốn đã thưa vắng những buổi diễn đỏ đèn, sân khấu truyền thống năm nay lại thêm một lần nữa chịu một cơn sóng vùi bởi tác động từ Covid-19. Ngay khi cả xã hội đã bắt đầu quen lại với nhịp sống mới, khi tình hình dịch bệnh được khống chế thì các sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… cũng vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Mùa lễ hội xuân đã bị bỏ lỡ, lúc này đây, các nghệ sĩ chỉ tập trung duy nhất vào việc “xốc” lại các vở diễn để tham gia các liên hoan, hội diễn, hội thi tìm kiếm tài năng. May mắn thay, các cuộc thi, liên hoan trong thời điểm này lại được tổ chức dồn dập nên nghệ sĩ cũng vì thế mà có nhiều hơn những cơ hội được đứng trên sân khấu.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 năm 2020 khai mạc cuối tháng 9 là sự kiện khởi động trở lại đầy ngoạn mục của sân khấu Việt sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch Covid-19. Có vở diễn mới, có vở diễn cũ được làm lại, chất lượng cũng cái hay, cái ít hay, nhưng dẫu sao cũng đã khiến cánh màn sân khấu được mở lại. Tiếp đó, cuối tháng 10 vừa qua, “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2020” được tổ chức ở Bình Định cũng đem đến luồng không khí mới cho loại hình nghệ thuật truyền thống này. Các nghệ sĩ đã thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. 

“Hội đồng giám khảo rất mừng khi chứng kiến không ít tài năng trẻ hội tụ đủ các yếu tố thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần”, NSND Lê Tiến Thọ, thành viên hội đồng giám khảo, nhận định. Các thí sinh tại cuộc thi đã chứng tỏ được bản lĩnh, sự vững vàng trong nghề, khẳng định họ đã và sẽ là những hạt nhân nòng cốt, sung sức của 2 loại hình sân khấu tuồng và dân ca kịch. 

Nhiều đoạn trích kinh điển, mẫu mực của sân khấu tuồng truyền thống như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Chung Vô Diệm lột xác, Nhị khí Chu Du, Lỗ Lâm đề cờ, Đào Tam Xuân đề cờ, Phàn Định Công đề cờ, Kim Lân qua đèo, Ôn Đình chém tá... đã diễn tả một cách sống động từng điển hình tính cách nhân vật. Phần thi của các thí sinh ở loại hình dân ca kịch có phần gần gũi hơn với đời sống bằng những tích truyện dân gian, những làn điệu dân ca uyển chuyển, dung dị và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát múa, diễn xuất. Và hơn hết, cuộc thi đã thu hút sự tham dự của nhiều đoàn nghệ thuật cùng chia sẻ, giao lưu, tiếp thêm cho nhau lửa nghề.

 Ngay trong những ngày này, tại Hà Nam, “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020” lại nổi trống, nổi chiêng với các hàng ghế ăm ắp khán giả. Dù là các buổi diễn với khán giả đến bằng vé tặng, vé mời - là những đồng nghiệp từ các đoàn nghệ thuật địa phương - đến xem và cổ vũ bạn diễn đi thi, song cũng khiến cho các nghệ sĩ biểu diễn đỡ tủi thân. Dù điều đó nghe thật nhói lòng… 

Sự thờ ơ của khán giả

Đã qua cái thời cả làng ngóng đợi hội chèo làng Đặng đi qua ngõ, cũng đã qua cái thời những rạp Đại Nam, Hồng Hà (Hà Nội) đêm nào cũng đỏ đèn, khán giả say đắm với Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương… Theo thời gian, nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt với sự thờ ơ của khán giả, bởi sự xuất hiện của những loại giải trí mới, đa dạng.

Trong nỗ lực kéo khán giả trở lại với các loại hình sân khấu truyền thống, dự án Sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp thực hiện đầu năm 2010, được triển khai rầm rộ ở phía Bắc. Thời điểm ấy, các bạn nhỏ ban đầu thờ ơ, sau đó chuyển sang tò mò háo hức. Thế nhưng cũng chưa đâu vào đâu, bởi văn hóa cần được thẩm thấu mỗi ngày, bằng nhiều hình thức.

Đau đáu với việc khơi nguồn tài năng, gìn giữ và phát triển sân khấu truyền thống, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, cho rằng cần phải có thời gian. Hiện giờ lớp khán giả xưa cũ vơi đi, lớp khán giả trẻ chưa có, bởi thế các hàng ghế trước màn nhung ngày một thưa dần cũng là điều dễ hiểu. Diễn không có người xem, nhiệt huyết giảm, thu nhập cũng giảm, cái khó của nghệ sĩ càng chồng chất. Nhiều nghệ sĩ khó bám trụ được với nghề, thậm chí là bỏ nghề. NSƯT Phú Kiên, Trưởng đoàn Nhà hát Chèo Việt Nam, người đã gắn bó 31 năm với bộ môn nghệ thuật này, từng cho biết, sự khó khăn và bấp bênh về nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, khiến rất nhiều nghệ sĩ giỏi buộc phải làm đơn xin nghỉ việc, xếp lại một góc đam mê và lựa chọn cho mình một lối rẽ khác.

Nhà hát Tuồng Việt Nam, nơi được coi là cái nôi nghệ thuật lớn ở miền Bắc, “cánh chim đầu đàn” của ngành tuồng cả nước, hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, tâm huyết, tên tuổi gắn liền với những chặng đường phát triển rực rỡ, đầy vinh quang của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, cũng phải đối mặt với khủng hoảng về thiếu khán giả. 

“Đến cả các đơn vị hát chèo luôn dẫn đầu về bán vé cũng đang điêu đứng nữa là tuồng với đặc thù vừa khó lại vừa kén khán giả”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn giãi bày. Không chỉ do ảnh hưởng của Covid-19 các nghệ sĩ ít được diễn, mà lâu nay, các đoàn chủ yếu vẫn phải cố duy trì lịch biểu diễn trong khi lượng người xem quá ít ỏi, phần lớn là vé mời. Công chúng thành phố không mặn mà nên nghệ sĩ phải chịu khó đi biểu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa mới có người xem. 

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, kịch bản ăn đong, thiếu thốn diễn viên, nhạc công... đó là những yếu tố chủ quan mà các đơn vị nghệ thuật truyền thống phía Bắc đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ để sinh tồn.

Theo nghệ sĩ Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam, để có một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật dân tộc, có thể cần 5 năm, 10 năm. Chỉ khi các bạn trẻ được giảng dạy về kiến thức nghệ thuật truyền thống căn bản để có thể nhận ra đâu là tuồng, là chèo…; các em được sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên theo định kỳ về văn hóa dân tộc từ khi còn nhỏ, thì mới dần hình thành một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống.

Tin cùng chuyên mục