Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 3: Ai tiếp tay cho tin giả?

Sự kiện thời sự, diễn biến xã hội, nhất là vấn đề gây nhức nhối trong đời sống cộng đồng luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân. Chính vì điều này, nhiều cá nhân đã cố tình thêm thắt, nhào nặn, bóp méo thông tin để gây chú ý với người xem càng nhiều càng tốt. Trong ngồn ngộn “rác văn hóa” kiểu này, nổi cộm chính là nạn tin giả.
Ngày 6-5, ông Lê Quang H. (bìa phải) bị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phạt 5 triệu đồng vì phát tán tin giả về dịch Covid-19
Ngày 6-5, ông Lê Quang H. (bìa phải) bị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phạt 5 triệu đồng vì phát tán tin giả về dịch Covid-19

Nhiễu loạn thông tin để trục lợi

“Chết rồi con ơi, phường này dính dịch rồi nè, có ca dương tính bị bế đi luôn rồi! Giờ đang kêu gọi ai có tới… thì đi kiểm tra y tế”. Nghe mẹ hoảng hốt thông tin trong nhóm chat trên Facebook, anh Trần Thanh Tùng (33 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) hỏi luôn: “Mẹ xem thông tin từ đâu vậy ạ? Hình như sai rồi”. “Sai là sai sao? Cái trang này họ bảo toang, rồi bao nhiêu người chia sẻ này, con coi kỹ đi”. Sau một hồi xem qua, đối chiếu thông tin các trang báo chính thống, anh Tùng mới thuyết phục được cả mẹ và ba rằng, tin tức kia là chưa xác thực.

Anh Tùng nói, ngày trước, nhiều trang mạng, thậm chí trang của một số người nổi tiếng thường đăng những thông tin chưa kiểm chứng chính xác, nhưng sau khi Nhà nước kiểm soát chặt, xử lý mạnh tay thì những thông tin này không còn quá ồn ào. Thế nhưng, không hiểu vì sao rất nhiều người, đặc biệt người lớn tuổi vô tình ấn nút “like” ở các trang trong lúc truy cập mạng, thế rồi những thông tin không rõ nguồn gốc cứ hiển thị liên tục, có những thông tin sai lệch cả bản chất.

“Lúc trước, nạn tin giả quá nhiều, gia đình mình phải lập nhóm chat, chia sẻ những thông tin dịch từ các báo chính thống. Qua đó mới phát hiện ba mẹ nhận quá nhiều thông tin giả, không đúng sự thật. Như tin dịch Covid-19, nhiều khi chỉ nghi mắc thôi mà các trang tin khẳng định đã có ca mắc, khiến người lớn ai cũng hoang mang, lo lắng”, anh Tùng kể.

Một vụ việc ồn ào liên quan đến tin giả là tại Vĩnh Phúc. Sau khi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19, liên quan đến các địa điểm mà nhóm người Trung Quốc đã di chuyển, trong đó có bar - karaoke Sunny (phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên), thì trên mạng xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt một clip dài hơn 3 phút được cho clip ăn chơi thác loạn ở quán bar - karaoke này.

Các tài khoản cá nhân liên tục chia sẻ đoạn clip này cùng lời lẽ mạt sát như: “Ăn chơi cho cố, nhiễm cũng vừa”, “Rồi, dính hết một động chưa”, “Cầu trời dính chùm hết cả đám”…

Và sự thật ra sao? Theo kết quả điều tra từ cơ quan chức năng, tháng 9-2020, Ngô Văn Thắng (Hà Nội) đã được thuê tạo lập, quản trị 3 website là live...net; tin...vn và vao...tv, với mục đích đưa thông tin, nội dung soi kèo bóng đá, lịch thi đấu, kết quả bóng đá. Đến đầu tháng 5-2021, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại và có liên quan đến bar - karaoke Sunny.

“Cao thủ không bằng tranh thủ”, Thắng và nhân viên đã đăng tải 3 clip cũ, chẳng liên quan lên 3 trang web, lấy tiêu đề: “HOT - CLIP FULL quán bar Sunny Vĩnh Phúc”, “Dân chơi thác loạn ở quán hát karaoke.mp4”… với mục đích tăng lượt truy cập vào 3 trang web do mình quản trị.

Hay vụ việc gần đây tại TPHCM, tối 18-5, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung “Chỉ đạo mới của UBND TPHCM” được thực hiện từ 22 giờ ngày 18-5. Sở TT-TT TPHCM khẳng định, đây là thông tin giả, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt, bịa đặt, làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Những vụ việc nói trên đều được cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và xử phạt, nhưng dường như thuốc đắng vẫn chưa dã tật, vì đợt dịch nào trong cộng đồng hay sự kiện thời sự nào đang hot cũng có tin giả ăn theo để trục lợi cá nhân…

Chúng ta không vô can

Trả lời phỏng vấn Báo SGGP gần đây, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) Lê Quang Tự Do cho biết: “Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam”. Ông Lê Quang Tự Do cũng khẳng định, môi trường mạng xã hội không còn là ảo nữa mà chính là một phần quan trọng của đời sống con người. Nếu người dân sử dụng mạng xã hội ý thức được vấn đề đó, chắc chắn thông tin xấu, độc, nhảm nhí, vô bổ, phi văn hóa và đạo đức sẽ không có đất sống.

Tin giả lan truyền theo kiểu “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa hơn” và mỗi chúng ta không vô can trong chuyện này, một lượt xem vì tò mò hay bất cứ lý do gì đều tạo môi trường để tin giả hoành hành. Một thực tế, những tin giả luôn biết cách đánh vào sự tò mò, quan tâm của dư luận. Giữa lúc mọi người đang theo dõi tin tức dịch bệnh thì những thông tin về ca mắc, giãn cách hay cách ly xã hội ở các địa phương ngay lập tức được chú ý mà không cần quan tâm nguồn tin từ đâu; hay giữa những thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra ở miền Trung, bức phù điêu người mẹ ôm con nhỏ ở Trung Quốc được tung lên mạng xã hội, ngay lập tức được quy chụp ngay là tình cảnh tang thương ở miền Trung!

Người đưa tin giả biết lèo lái sự quan tâm của dư luận, hay chính dư luận quá dễ bị dắt mũi? Câu trả lời, chính là cả hai. Tin giả khéo chèo kéo và dư luận quá cả tin. Thông tin về dịch bệnh, thiên tai hay nhân sự, chưa cần biết thực hư, nguồn gốc… chỉ cần đưa lên mạng xã hội, lập tức được người dùng chia sẻ, bình luận như thể chuyện đã được xác minh rõ ràng. Anh Trần Thắng (phường 5, quận 3, TPHCM) cho rằng: Nhiều người rất quan tâm đến tin nhân sự nên ráng “hóng” thông tin trên nhiều fanpage, sao chép đưa đến nhiều nhóm khác. Thông tin này thường gây bất lợi cho chính quyền, khi phía dưới những tin dỏm kiểu này là vô số bình luận.

Và trong sự tự do của việc tạo lập tài khoản cá nhân, fanpage, group (nhóm) trên mạng xã hội, những tổ chức chống phá từ nước ngoài cũng lợi dụng để tung tin bôi nhọ chế độ, lãnh đạo trong nước. Có ý kiến cho rằng, một bộ phận cộng đồng mạng hiện nay không hiểu rõ về luật pháp, thể chế chính trị… vì thế, qua một vài tin giả sẽ đẩy nhận thức khiến hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Cụ thể như trường hợp nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nghỉ hưu, nhưng trên fanpage “Tri Thức Trẻ 24h” vẫn có đoạn clip với nhan đề “Nguyễn Thị Kim Ngân đang trốn ở đâu?”, thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem và hàng trăm bình luận.

Ví dụ trên để thấy, chính chúng ta không vô can trong việc tin giả hoành hành, bởi không thiếu báo đài, kênh thông tin chính thống, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân tin vào những trang tin không rõ nguồn gốc. Ngoài báo chí, cơ quan truyền thông chính thống, thì mạng xã hội có một sức ảnh hưởng lớn về mặt thông tin đến người dân, nếu không muốn nói là ngày càng chiếm lĩnh. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước vẫn chưa khai thác hiệu quả sức mạnh và sự ảnh hưởng của mạng xã hội, để đưa thông tin chính thống. Thông tin chính thức, những câu chuyện đẹp… vẫn chưa lan tỏa nhanh và chưa đủ sức để đánh bật tin giả.

Luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn Luật sư TPHCM đề xuất, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Cần đưa ra các quy tắc chung như tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn; các quy tắc riêng đối với người dùng theo các mức độ: nên/không nên, được/không được. Chẳng hạn, người dùng mạng là cán bộ, viên chức nhà nước không được ứng xử trái với các chuẩn mực đạo đức, nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ thông tin tích cực, không được phát ngôn gây thù hận, kích động bạo lực... “Mọi chuyện xấu đều bắt đầu từ sự “quá liều”, thiếu kiểm soát, nên việc điều độ và cân bằng khi sử dụng mạng xã hội là vô cùng cần thiết”, luật sư Ngô Việt Bắc chia sẻ.

"Việc một bộ phận người dân tin vào tin xấu, tin giả có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là có một bộ phận người dân còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức và bản lĩnh trong xử lý và cập nhật thông tin, phân biệt tin tốt - xấu không rõ ràng nên dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, việc vào cuộc của các cơ quan quản lý chức năng còn chậm, có lúc còn lúng túng trong xử lý nên đã để thời gian cho các tin xấu - giả có cơ hội phát tán" - TS PHAN ĐÌNH TÂN, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Tin cùng chuyên mục