Chăn nuôi, thủy sản đang thua lỗ hàng tỷ đồng do dịch Covid-19

Chiều 31-7, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến Kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19, với sự tham gia của các Sở NN-PTNT các tỉnh phía Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn trước tình hình tiêu thụ khó khăn trong đợt dịch đang diễn biến phức tạp.
Công ty TNHH San Hà đang thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày
Công ty TNHH San Hà đang thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày

Theo Bộ NN-PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất chăn nuôi tương đối ổn định, so với cùng kỳ năm 2020, đàn bò 6.300.000 con tăng 2,4%; đàn heo 23.000.000 con tăng 10%; đàn gia cầm 510.000.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng sản lượng các thịt ước đạt 3.690.000 tấn, trong đó thịt heo 2.300.000 tấn, thịt gia cầm 1.080.000 tấn, thịt trâu, bò 270.000 tấn, trứng 9.800.000.000 quả. Bình quân, mỗi tháng sản lượng thịt các loại đạt 527.000 tấn, trong đó thịt heo 333.000 tấn, thịt gia cầm 155.000 tấn, trứng gia cầm 1.400.000.000 quả.

Tình hình tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong thời gian qua, thịt heo 1.060.000 tấn tăng 62,%; thịt trâu bò 141.000 tấn tăng 7,3%, gia cầm 462.000 tấn, tăng 7,9%, trứng đạt 5.180.000.000 quả, tăng 5,5%.

Đối với ngành thủy sản, tại ĐBSCL: cá tra là 1.550.000 tấn, tôm 780.000 tấn, các sản phẩm khác là 1.740.000 tấn.

Có thể thấy, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam đang vẫn ổn định, dồi dào, nhưng do công tác lưu thông, thu hoạch, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gián đoạn nên dư thừa.

Chăn nuôi, thủy sản đang thua lỗ hàng tỷ đồng do dịch Covid-19 ảnh 1 Thu hoạch tôm phải tập trung đông để kéo lưới, nhưng do giãn cách xã hội nên nhiều ao không thể thu hoạch được (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)
Hiện nay, tình hình giá gia cầm đang giảm rất nhiều, với giá khoảng 7.000-8.000 đồng/kg đã không bù lại với chi phí sản xuất. Đang thua lỗ hàng tỷ đồng, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, theo hợp đồng liên kết với trang trại, giá gà công ty đang thu mua 25.000 đồng/kg, nhưng bán ra chỉ với 8.000 đồng/kg, nên trung bình công ty bù lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày.
Mặt khác, đến ngày test Covid, cứ trung bình 100 người là có 30 người bị nhiễm. Công ty đang thiếu hụt nguồn vốn, nhân lực trầm trọng. Trong khi đó, giá trứng gà lại cao bất thường!
“Với giá này 1 con gà có trọng lượng 3kg có giá khoảng 20.000 đồng, còn thua giá rau, bí đỏ. Theo thông tin, có nhiều cơ sở đã phải mang gà giống đi thiêu do không có trang trại nào mua. Nếu giá gà cứ giảm, người chăn nuôi, người bán giống đều thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến việc tái đàn. Sau khi hết dịch Covid, các khu đô thị, khu công nghiệp hoạt động trở lại thì sẽ không có sản lượng để cung ứng” ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh chia sẻ.

Tương tự, bà Đinh Thị Phương Khánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An phân tích, sau khi các chợ truyền thống đóng cửa, các trang trại gia cầm giảm 89% sản lượng, trâu bò đều giảm 70% số lượng.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi tôm trên địa bàn cũng rất khó khăn trong thu hoạch, nhưng thu hoạch xong cũng không có đơn vị thu mua do các chợ, bếp ăn tập thể, nhà hàng đã đóng cửa gần hết. Ngoài ra, vùng nuôi tôm trên địa bàn đang có dịch nên cũng không cho người vào thu mua. Hiện, sở đang có văn bản kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn để nông dân thu hoạch.

Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ trên địa bàn rất nhiều, chủ yếu cung cấp cho địa phương và TPHCM. Mỗi ngày, các cơ sở giết mổ tiếp xúc nhiều với thương nhân, tài xế… sẽ tìm ẩn lây nhiễm. Sở đề nghị công nhân giết mổ, công nhân thu hoạch đưa vào đối tượng tiêm chích vắc xin.

Ngoài ra, nhiều Sở NN-PTNT đề nghị, Bộ NN-PTNT tháo gỡ các sản phẩm khác như vịt, cá diêu hồng, cá lóc, cá rô phi… Cơ bản, thị trường đang ưu chuộng những sản phẩm này nhưng không có chợ, không có bếp ăn tập thể nên không thể tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản phẩm đã không tiêu thụ được mà giá thức ăn chăn nuôi, vận chuyển đang tăng.

Cũng tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, dù thực hiện "3 tại chỗ" nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ xảy ra lây nhiễm dịch do vẫn còn phương tiện vận tải ra vào nhà máy. Do không thể kinh doanh được, công ty đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nên đề nghị nhà nước giảm các loại thuế, dịch vụ ngân hàng, công đoàn…

Đối với chăn nuôi, thủy sản thì trọng lượng rất quan trọng, buộc phải thu hoạch đúng lứa. Đơn cử, thủy sản để quá lứa sẽ có nguy cơ chết, không thể tiêu thụ; theo quy định phải ngưng thời gian chích kháng sinh mới xuất chuồng gia cầm, nhưng chỉ cần ngưng kháng sinh rất dễ chết do hết sức đề kháng. Nhiều công ty đưa vào giết mổ để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng không có đầu ra, buộc phải đưa vào kho lạnh. Do đó, nhà nước cần giảm chi phí tiền điện.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch tại cơ sở "3 tại chỗ", trước tiên là tiêm ngừa vaccine cho người lao động và lấy mẫu test Covid nhanh để đảm bảo an toàn trong sản xuất. Nhiều tỉnh cho tài xế qua nhưng sau đó không được về nhà mà phải thực hiện cách ly tập trung, khiến tài xế không muốn chạy. Cùng với đó, trang trại chăn nuôi đã cách ly công nhân nhiều tháng nay với nội bất xuất, ngoại bất nhập nhưng một số tỉnh đã đề nghị công nhân phải có giấy xét nghiệm âm tính mới cho tiếp tục hoạt động.

Sản xuất công nghiệp có thể tạm nghỉ, nhưng sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn tiếp tục làm để đảm bảo an ninh lương thực, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông tin, bộ đã gởi văn bản UBND tỉnh giao quyền chủ động cho sở NN-PTNT trong việc tập hợp danh sách công nhân, nông dân để tiêm vaccine cho đối tượng.

Hiện nay, các nhà máy giết mổ đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt. Do đó, các sở NN-PTNT cần có giải pháp đảm bảo an toàn quy định phòng, chống dịch tại nhà máy giết mổ. Bộ cũng đang làm việc với các bộ, ngành khác về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục