Chặn đường đưa “rác thải” về Việt Nam

Số liệu của ngành hải quan cho biết, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu.

Kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều lô hàng cho thấy, nhiều phế liệu vốn được coi là rác tại các nước kinh tế phát triển, như máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, pin cũ… đã được “tuồn” vào Việt Nam qua các hình thức khác nhau và đang nằm tồn đọng tại nhiều cảng. Số liệu tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, hiện có khoảng hơn 17.000 container phế liệu tồn đọng chưa làm thủ tục thông quan ở các cảng tại: TPHCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sự việc này đã kéo dài nhiều năm nay, dư luận đã lên tiếng báo động nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hiệu quả. Còn chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược từng cảnh báo rằng, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ, khi doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hoặc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn mác chuyển giao công nghệ để đưa vào nước ta các loại máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu. 

Ngày 17-9 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT không cấp xác nhận, không gia hạn giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; chỉ xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp, làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu…

Nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới, Thủ tướng chỉ thị các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển chỉ được đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; chịu trách nhiệm về cho phép bốc dỡ các lô hàng phế liệu... 

Trong một diễn biến liên quan, trong Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao (ASOSAI) lần thứ 14 đã khai mạc ngày 19-9 tại Hà Nội, với tư cách nước chủ nhà, Kiểm toán Nhà nước đã chọn chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho đại hội. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, với quan niệm “Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế bằng mọi giá”.

ASOSAI 14 đã lựa chọn chủ đề này nhằm góp tiếng nói chung, để giúp phát triển môi trường bền vững. Trong thời đại công nghệ 4.0, Việt Nam là nước đang phát triển, thu hút các dự án đầu tư rất tích cực, vì vậy, nếu không có sự ngăn chặn, đẩy lùi các công nghệ, máy móc lạc hậu nhập khẩu vào trong nước thì Việt Nam dễ trở thành bãi rác công nghệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững trong tương lai. Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo lần 1 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch kiểm toán năm 2019, trong đó đề xuất kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng đã nêu rất rõ các giải pháp nghiêm ngặt để chặn đứng “rác thải” từ bên kia biên giới. Trách nhiệm được chỉ rõ ràng, từ bộ ngành, địa phương đến các chủ doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển. Một “hàng rào” đã được lập lên ngay từ bên ngoài lãnh thổ để bảo đảm chỉ nhập khẩu hàng hóa đạt chuẩn, không nhập rác thải. Những quy chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn các dây chuyền công nghệ tái chế phế liệu đã qua sử dụng và dây chuyền công nghệ lạc hậu từ nước ngoài lọt vào Việt Nam cũng được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Vấn đề còn lại là sự thực thi nghiêm túc để dẹp “nạn” nhập rác thải vốn trầm trọng, gây nhức nhối thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục