Chặn đứng “bà hỏa” vào khu dân cư: Những việc cần làm ngay

Thống kê từ đầu tháng 4-2021 đến nay cho thấy cả nuớc đã xảy ra hơn 500 vụ cháy và sự cố cháy nổ. Đáng lo ngại là tình trạng cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở những đô thị lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 
Đồng chí Ngô Minh Châu (phải) trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy ở quận 11, TPHCM
Đồng chí Ngô Minh Châu (phải) trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy ở quận 11, TPHCM

Cháy nổ rình rập 

Tại TPHCM, rất nhiều công trình nhà ở tọa lạc trong khu dân cư đông đúc chỉ thiết kế một lối thoát (thường gọi là nhà ống). Theo Sở Xây dựng TPHCM, dạng nhà ống chiếm hơn 40% tổng số nhà ở trên địa bàn. Nhiều nhà ống chật hẹp đến mức lối ra - vào chỉ vừa đủ một người đi. Đây là mối lo cực kỳ lớn. 

Đáng nói, người dân thường trưng dụng căn nhà có kết cấu như vậy làm nơi chất, chứa hàng hóa; kết hợp sản xuất kinh doanh. Đến khu vực quanh cầu Hiệp An 2 (phường 12, quận 8), không ít người quan ngại với quang cảnh nhà ống dày đặc. Ông Phan Văn Hóa (57 tuổi, ngụ phường 12) giải thích: “Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi không có điều kiện hay cơ hội tìm chỗ khá hơn. Thiết kế lại nhà càng không đơn giản vì nhà sát nhà như vậy, muốn trổ cửa cũng chẳng biết trổ ra đâu”. 

Những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người thường xảy ra lúc rạng sang - thời điểm người dân ngủ say và khóa trái cửa; ít người qua lại. Vì thế, việc phát hiện và báo tin không thể kịp thời. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận thì đám cháy phát triển mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM, cho biết người dân tận dụng tầng trệt để buôn bán, kinh doanh, nhiều hộ gia đình bố trí tầng trên để chứa hàng hóa. Khi xảy ra cháy, hàng hóa bén lửa đổ sập, gây cản trở lối thoát hiểm. Hàng hóa có nhiều chất dễ cháy tạo ra khí độc gây ảnh hưởng đến tính mạng những người sống trong nhà.

Vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ

 Sau các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng gần đây, thực hiện chỉ đạo khẩn từ UBND TPHCM, các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Các địa phương đã và đang tổng kiểm tra an toàn PCCC tại đơn vị, cơ sở thuộc phạm vi quản lý, chú trọng địa điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người; cơ sở nhiều hàng hóa, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC và yêu cầu khắc phục triệt để. 

Điển hình, cơ quan chức năng quận 10 (TPHCM) vừa kiểm tra đột xuất chung cư Thành Thái. Rà soát công trình cải tạo tầng kỹ thuật và tầng 1, 2, 3 chung cư này, đoàn kiểm tra kết luận chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Rivera) chưa chấp hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động tầng 2 và 3.

Trước đó, quận 10 buộc chủ đầu tư chung cư tạm ngừng hoạt động 4 tầng nêu trên do không đảm bảo an toàn PCCC. Từ đó, cơ quan chức năng lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động công trình cải tạo ở chung cư Thành Thái. 

Bên cạnh đó, TPHCM tập trung nâng cao năng lực chữa cháy, xử lý tình huống cháy nổ ở cơ sở. Cơ quan chức năng địa phương xây dựng phương án CNCH, chữa cháy đối với những cơ sở trọng điểm; chợ, trung tâm thương mại; khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Các địa phương bố trí lực lượng tuần tra, canh gác nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố. UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tập trung quy hoạch, vận động người dân chỉnh trang, cải tạo khu dân cư có nguy cơ cháy cao. Cơ quan quản lý địa phương có thể đề xuất di dời cơ sở có nguy cơ cháy nổ khỏi khu dân cư. UBND cấp xã tiếp nhận danh sách cơ sở do cơ quan công an bàn giao, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC…

Tin cùng chuyên mục