Chấn chỉnh tình trạng học sinh hành xử bạo lực

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận huyện và các trường trên địa bàn, cảnh báo tình trạng học sinh đánh nhau có chiều hướng gia tăng. Các nhà giáo, nhà tâm lý học, nhà xã hội học đã nêu ý kiến tham gia diễn đàn, phân tích, góp ý chấn chỉnh vấn nạn này.

Hiện tượng bắt nạt trong nhà trường

Hiện tượng bắt nạt trong nhà trường không phải gần đây mới xuất hiện, nhưng bây giờ được nói đến nhiều hơn, vì sự xuất hiện khá dày. Hiện tượng học sinh bắt nạt học sinh diễn ra khá phổ biến, với việc hình thành các nhóm để “xử” học sinh không thuộc nhóm mình do đang có mâu thuẫn hoặc bất hòa; hoặc việc “xử” đó chỉ để ra uy, thể hiện quyền lực, chứ không nhằm giải quyết các mâu thuẫn. Hay việc học sinh khỏe hơn, gia đình có thế lực hơn ăn hiếp bạn học yếu thế hơn.  

Trường học phải thực sự là môi trường thân thiện, tiến bộ. Bất kỳ sự bắt nạt nào cũng là điều không tốt, là một biểu hiện của sự bất ổn về mặt đạo đức học đường. Để xây dựng một môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, tiến bộ, không có sự bắt nạt, trước hết, đội ngũ quản lý phải trong sáng, tiến bộ, đặt mục tiêu giáo dục con người lên trên hết. Một học sinh không bị ảnh hưởng, hấp thu bởi bạo lực (dù tinh thần hay thể chất) thì mới có thể trở thành người biết kiềm chế sử dụng bạo lực khi trưởng thành. 

TRÚC GIANG, quận 3, TPHCM

Khuynh hướng sử dụng bạo lực

Việc sử dụng bạo lực trong giải quyết bất đồng gần như đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Điều đáng lo ngại là cách hành xử này có cả ở học đường. Dưới góc độ xã hội học, việc con người ứng xử, suy nghĩ như thế nào là kết quả của quá trình họ được dạy dỗ, uốn nắn từ lúc còn trẻ thơ.

Nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy một điều rất sai lầm trong giáo dục con cái của nhiều phụ huynh Việt Nam, đó là khi còn nhỏ, các bé trai thường được cha mẹ mua cho các loại đồ chơi mang tính chất bạo lực như dao, kiếm, súng. Khi chúng chơi những loại đồ chơi này thì chắc chắn chúng sẽ nghĩ đến những cảnh đâm chém, bắn nhau. Cộng với những đồ chơi bạo lực, trẻ em cũng bị ngập tràn bởi hình ảnh bạo lực trên phim ảnh và trên mạng, kể cả các phim dành cho trẻ em. Những hình ảnh này ăn vào tiềm thức của trẻ, khi lớn lên chúng sẽ có khuynh hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn.

Chấn chỉnh tình trạng học sinh hành xử bạo lực ảnh 1 Việc cho trẻ học võ thuật không chỉ rèn luyện thể chất, mà còn giáo dục tinh thần thượng võ. Ảnh: VÂN KHANH

Trong khi đó, các thiết chế thực thi pháp luật của chúng ta đôi khi phản ứng rất chậm trong việc giải quyết các mâu thuẫn của người dân trong đời sống thường ngày. Khi luật pháp chậm được áp dụng, người ta sẽ có khuynh hướng giải quyết nhanh gọn sự mâu thuẫn bằng các hành vi bạo lực kiểu mạnh được yếu thua. Một xã hội mà ở đó các hình tượng giang hồ như Khá Bảnh được nhiều người ngưỡng mộ, theo dõi, thì rõ ràng là một xã hội đang có vấn đề về mặt đạo đức lẫn luật pháp.

Vì vậy, để có thể kéo giảm tình trạng hành xử bạo lực thì cần nhiều giải pháp. Cụ thể là các gia đình phải thay đổi lại cách giáo dục con cái, nhất là với các bé trai, không nên cho chúng chơi các loại đồ chơi mang tính bạo lực. Cũng phải có cơ chế kiểm soát việc phổ biến các nội dung, hình ảnh bạo lực, và nhất là cần làm cho luật pháp trở nên hữu hiệu hơn, sao cho mọi người đều nhìn luật pháp như là công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong đời sống thường ngày.

LÊ MINH TIẾN, Giảng viên Xã hội học 

Dạy trẻ dung hòa các mối quan hệ

Tuổi mới lớn, với những diễn biến tâm sinh lý đặc biệt, rất cần được thấu hiểu, sẻ chia và hỗ trợ để tháo gỡ vấn đề. Trẻ đang thiếu những sân chơi, hoạt động ngoại khóa phù hợp ở trường. Do đó, nhà trường cần tổ chức những sân chơi phù hợp, hữu ích, giúp các em có những đội nhóm hoạt động.

Và quan trọng, giáo viên cần đối xử công bằng giữa các học sinh. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc quan sát, phát hiện những thay đổi bất thường của học trò trên lớp để trao đổi với phụ huynh, kịp thời ngăn chặn những hành vi sai lệch đạo đức, không chuẩn mực trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường cần bồi dưỡng cho giáo viên về kinh nghiệm quản lý bạo lực học đường. 

Có nhiều vụ học sinh đánh nhau ở trường vì yêu mà bị từ chối, bị cấm cản, tranh giành…, khiến các em nảy sinh tâm lý oán giận, hành động trả thù. Do vậy, cha mẹ, thầy cô cần thấu hiểu rõ tâm lý giai đoạn này của các em. Việc cấm cản rất khó, bởi ở lứa tuổi này, các em đã biết rung động, có tâm tư, tình cảm, suy nghĩ riêng. Việc người lớn cần làm là định hướng, dạy con cách yêu, cách làm bạn, cách dung hòa các mối quan hệ trong cuộc sống chứ không phải cấm đoán, trừng phạt, chỉ trích gay gắt.

Nguyên nhân sâu xa của nạn hành xử bạo lực là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Cha mẹ, thầy cô phải làm gương, không sử dụng hành vi bạo lực, không thực hiện những hành vi lệch chuẩn. Nếu không làm được điều này thì rất khó để thay đổi xu hướng bạo lực có thể có ở con trẻ.

TS PHẠM THỊ THÚY, Chuyên gia tâm lý

Tin cùng chuyên mục