Chấn chỉnh condotel

Thị trường bất động sản lại thêm một cú sốc mang tên condotel: gần 400 cư dân của dự án cao tầng Sơn Thịnh 2 (TP Vũng Tàu, do DNTN Sơn Thịnh làm chủ đầu tư) mới đây đã tá hỏa khi biết rằng dự án được các cơ quan nhà nước phê duyệt là condotel - thương mại dịch vụ chứ không phải là căn hộ ở như hợp đồng mua bán ký kết giữa hai bên! Sự việc này như thêm một đòn giáng vào lĩnh vực condotel, vốn dĩ đã gây ra quá nhiều điều tiếng trong thời gian qua.

Trở lại vụ dự án Sơn Thịnh 2, gần 10 năm trước, chủ đầu tư bán căn hộ cho khách hàng thông qua “Hợp đồng mua bán nhà ở”. Chậm trễ kéo dài, mãi đến năm 2017 khách hàng mới được nhận căn hộ. Vì căn hộ không làm được giấy chủ quyền, không được xuất hóa đơn giá trị gia tăng, nên cư dân làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Sau đó, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận dự án xây dựng trên đất có mục đích sử dụng là đất dịch vụ nên không được cơ quan chức năng cấp giấy chủ quyền nhà ở.

Chưa dừng ở đó, khi chủ DNTN Sơn Thịnh qua đời, cư dân Sơn Thịnh 2 được thông báo người khác đã mua lại công ty, tiếp đó họ thêm một lần nữa sửng sốt khi biết rằng dự án đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp tại ngân hàng. Tại buổi họp vừa qua với chủ mới, cư dân hết sức bất bình khi nghe thông báo: Nếu muốn được cấp giấy chủ quyền, cư dân phải cùng với chủ đầu tư thanh toán tiền để giải chấp và giấy chủ quyền được cấp vẫn là căn hộ dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chứ không phải căn hộ ở. Chắc chắn các bên sẽ tiếp tục trải qua những ngày tháng hết sức căng thẳng để bàn bạc giải quyết hậu quả. 

Nếu như dự án Sơn Thịnh 2 có dấu hiệu “lừa đảo” khi bán cái không có thì những sự cố xảy ra tại các dự án condotel trước đây cho thấy, loại hình này không đem đến điều tốt đẹp. Tại dự án Cocobay (Đà Nẵng), chủ đầu tư đã “xù” không trả lợi nhuận theo cam kết khiến hàng ngàn khách hàng điêu đứng. Trong đợt dịch Covid-19, FLC Homes thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận cho khách hàng tại các dự án condotel Quy Nhơn, Quảng Bình, Hạ Long cho đến khi “Tổ chức Y tế thế giới công bố hết dịch, các cơ sở kinh doanh FLC hoạt động trở lại”… Ở đây, mẫu số chung là các chủ đầu tư làm mọi cách để “hóa kiếp” từ khu đất đã quy hoạch thương mại dịch vụ thành các sản phẩm nhà ở. Cách làm phổ biến là giăng sẵn “bẫy tài chính”: lợi nhuận được chủ đầu tư cam kết rất cao, từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Ai cũng biết, nếu không có bẫy tài chính này thì trên 80.000 căn condotel mọc lên trải dài theo các bờ biển hoang vắng từ Nam đến Bắc được mua để làm gì? Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, người mua lao vào như con thiêu thân vì bẫy lợi nhuận trong khi bán được hàng thì chủ đầu tư đã “chốt lời” ngay tại chỗ còn cam kết lợi nhuận là “lấy mỡ khách hàng rán khách hàng”, cho đến khi không trả được nữa chủ đầu tư sẵn sàng bỏ rơi “thượng đế” của mình. Lúc đó, khách hàng đối mặt với thực tế hết sức phũ phàng: sẽ làm gì với căn hộ đó, làm sao tự tổ chức kinh doanh khi chủ đầu tư đã bỏ chạy? 

Trong khi một số cơ quan chức năng ra sức bảo vệ loại hình condotel thì Bộ Công an vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình quản lý condotel, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel). Theo đó, kiến nghị không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở, đồng thời không cho phát triển thêm. Hầu hết các dự án condotel đều được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng, nếu cấp sổ cho từng chủ căn hộ sẽ nảy sinh việc thế chấp căn hộ để tiếp tục vay vốn ngân hàng, gây nguy cơ mất an toàn cho hệ thống tín dụng; nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng quản lý dẫn tới các chủ dự án mở bán căn hộ khi chưa đủ điều kiện, gây rủi ro cho người mua…

Cảnh báo của Bộ Công an rất sát thực tế. Giải pháp đưa ra lúc này là cần tổng rà soát lại toàn bộ các loại hình chưa được pháp luật “khai sinh” như officetel, condotel và biệt thự du lịch. Từ kết quả đó, các cơ quan chức năng sẽ phát hiện những khiếm khuyết cần sửa chữa, quy hoạch bài bản cho từng loại hình; nhất là loại bỏ triệt để những loại hình nhà ở kiểu “bẫy tài chính” làm tổn hao nguồn lực tài chính, gây bức xúc xã hội. Đồng thời cần mạnh tay kỷ luật lãnh đạo những địa phương ký duyệt các dự án này ào ạt, hết sức vô trách nhiệm! Còn nếu thả lỏng như hiện nay, những loại hình nhà ở nêu trên giống như quả bom nổ chậm, sẽ không biết bung bét khi nào.

Tin cùng chuyên mục