Chăm lo an cư hậu tái định cư

Thu hồi đất là công việc mà tất cả chủ đầu tư, nhất là dự án đầu tư công, đều xác định là khâu khó khăn nhất. Thế nhưng, khi chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khâu ít được chú ý.
Người dân thôn Suối Trầu, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) chờ tái định cư để ổn định cuộc sống. Ảnh: HOÀNG BẮC
Người dân thôn Suối Trầu, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) chờ tái định cư để ổn định cuộc sống. Ảnh: HOÀNG BẮC

Chuẩn bị tái định cư chưa sâu sát

Lâu nay, đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ít doanh nghiệp nào thuê tư vấn để làm. Họ chỉ thu thập số liệu nhưng không sát với thực tế; mức giá bồi thường cũng chỉ là giá dự đoán. Đặc biệt, tâm tư, nguyện vọng của người dân trong vùng, cách giải quyết thực trạng nhà ở không đủ điều kiện pháp lý để bồi thường như thế nào đều không rõ.

Đối với việc giải quyết tái định cư cho các dự án, Luật Đất đai 2013 giao khoán về địa phương nơi có đất để thu hồi, tức là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện. Vấn đề vướng mắc là địa phương không đủ nguồn vốn để bố trí hoặc không bố trí vốn kịp thời cho những dự án tái định cư; dẫn đến khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đặc biệt là những dự án trọng điểm, cấp bách có quy mô thu hồi lớn, thì gặp khó. Trong khi đó, luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện là phải căn cứ vào quy hoạch để chuẩn bị trước các dự án tái định cư, chỉ khi nào đã có nhà ở hoặc đất ở thì mới được tiến hành thu hồi đất.

Thước đo 5 năm


Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hậu tái định cư cần thước đo 5 năm để đánh giá kết quả thực hiện. Về trình tự thực hiện, quy định hiện nay chỉ có “khúc giữa” đề cập đến việc thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; không có khâu chuẩn bị ban đầu và không có khâu thực hiện chính sách hậu tái định cư để đạt mục tiêu người dân có nhà ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi Nhà nước thu hồi đất.

Khi sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định rõ: danh mục dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì trong báo cáo khả thi được duyệt phải nói rõ nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hậu tái định cư áp dụng cho những người dân bị ảnh hưởng tại đây và phải dự toán chi phí cho công việc này. Khi thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cần phải thẩm định tính chính xác, đầy đủ các thông tin, số liệu và tính khả thi các giải pháp, chính sách bồi thường, tái định cư mà báo cáo khả thi dự án có thu hồi đất đề cập.

Sau khi hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng thì phải bố trí hậu tái định cư. Thông thường là khoảng 5 năm kể từ khi hoàn tất bàn giao mặt bằng. Vì sau 5 năm thì mới có thể đánh giá đã đạt được mục tiêu là làm cho cuộc sống của những người bị thu hồi đất bằng, tốt hơn lúc trước hay không? Nếu không đạt được mục tiêu đó thì giải pháp khắc phục như thế nào?

Tiếp đó, Luật Đất đai hiện nay chỉ nói bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà không đề cập đến hậu tái định cư. Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng quy định cả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lẫn hậu tái định cư; đồng thời phải thiết lập những tiêu chí cụ thể, phương thức, cách đánh giá, cách làm.

Cần thiết bổ sung vào dự thảo luật

Hiện nay, Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 đặt ra yêu cầu là công tác bồi thường phải đi trước một bước, tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến chưa làm rõ yếu tố này. Nội dung điều tra, khảo sát, tìm giải pháp về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hậu tái định cư ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư vẫn chưa được đề cập.

Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 yêu cầu phải hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi thu hồi đất ở, như vậy sẽ khác với nguyên tắc giá đất cụ thể tính bồi thường được xác định tại thời điểm thu hồi đất đã định hình trước đây. Trước đây, giá đất cụ thể nếu tính bồi thường được xác định vào thời điểm thu hồi đất. Còn bây giờ, thời điểm bồi thường nằm ở vế trước, còn thời điểm thu hồi đất nằm ở vế sau.

Một điểm mới trong dự thảo sẽ có nhiều tác động tới công tác chuẩn bị đầu tư dự án tái định cư và thực hiện chính sách tái định cư, nhất là vùng sẽ thực hiện đô thị hóa từ vùng đất nông thôn. Trước đây, khi bồi thường về đất chỉ có 2 phương thức: bồi thường bằng việc giao đất ở cùng mục đích, tức là thu hồi đất nông nghiệp thì sẽ giao lại đất nông nghiệp; hoặc nếu không có đất để giao thì bồi thường bằng tiền. Thực tế trước đây, trên địa bàn TPHCM đã từng thực hiện phương thức thứ 3 - bồi thường bằng một loại đất khác. Cụ thể, khi bị thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án nhà ở thương mại thì người dân được hoán đổi đất ở theo tỷ lệ 8%, 10% hay 12%. Ví dụ như, một hộ có 100m2 đất nông nghiệp thì được hoán đổi 8m2 đất ở. Điều này dựa trên cơ sở là đã tính toán, phân tích hiệu suất, hiệu quả của dự án, từ đó quy đổi ra tỷ lệ hoán đổi. Tuy nhiên, khi TPHCM thực hiện phương án này thì bị Thanh tra Chính phủ kết luận là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy nên hơn 10 năm nay, TPHCM không còn thực hiện chính sách trên.

Hiện nay, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang đề cập vấn đề này, tuy nhiên chỉ mang tính nguyên tắc chứ chưa cụ thể. Chẳng hạn, cách thức, phương pháp đánh giá để đưa ra tỷ lệ hoán đổi như thế nào? Đối với những dự án không phải là dự án nhà ở thương mại, nhất là các dự án đầu tư công thì chính sách này có được áp dụng hay không? Điều này sẽ tác động đến công tác chuẩn bị quỹ nhà ở, đất ở tái định cư của chính quyền cấp tỉnh, huyện.

TRẦN MINH THƠ
Nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Sở TN- MT TPHCM
ĐỨC TRUNG ghi

Tin cùng chuyên mục