Chậm lại một nhịp cùng báo giấy

Khi các thiết bị nghe nhìn ngày càng tiện ích và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, lượng phát hành báo giấy cùng các sạp báo truyền thống sụt giảm hẳn. Nhưng cái thú vui cầm tờ báo, nhâm nhi tách cà phê buổi sáng đã trở thành nếp sinh hoạt đặc trưng và quen thuộc với nhiều thế hệ người Sài Gòn - TPHCM.

1. Chiếc xe ôm công nghệ dừng lại, bác khách bước xuống xe, đủng đỉnh lại gần kệ báo hỏi: “Báo còn hông?”. Bà chủ sạp báo cười cười: “Hết báo rồi nghen!”. Ông bác lại chỉ tay vào kệ: “Chứ gì đây?”. Lấy tờ báo xếp gọn đưa khách, bà chủ cười ngất: “Khách quen mà hỏi cắc cớ, tui phải trả lời cắc cớ lại chớ. Mối quen, ngày nào cũng để dành phần ông hết á, hông có hết đâu mà lo”. Hai ông bà già cười cười nói nói, hỏi thăm nhau mấy câu rồi bác khách lững thững đi vào con hẻm.

Chưa đầy 5 giờ sáng, tại quầy báo nhỏ ở đường Dương Bá Trạc (quận 8), cô Nguyễn Thị Vân (65 tuổi) đã xếp gọn gàng những tờ báo mới chờ khách. Một bên là báo bán mỗi ngày, một bên là báo khách mối dặn, kệ báo nhỏ tới hơn 9 giờ là bắt đầu thu dọn. “Bây giờ, khách ít hơn hồi xưa, lấy số lượng về ít hơn trước nên có khi hơn 8 giờ sáng là bán xong, thu dọn lần lần rồi, quá lắm cũng 9 giờ sáng hơn thôi à. Cái kệ nhỏ xíu này nên người ta cho để ké trước cửa tiệm, chứ sạp báo như hồi xưa là phải trả tiền thuê chỗ hẳn hoi. 9 giờ là tiệm này mở cửa nên tới giờ đó mình dọn dẹp, để mặt tiền người ta mần ăn nữa”, cô Vân nói.

Chậm lại một nhịp cùng báo giấy ảnh 1 Những điểm bán báo truyền thống còn duy trì ở TPHCM

Cầm tờ báo, chúng tôi hỏi: “Bây giờ, khách mua khá không cô?”. “So với hồi mới bán thì giảm đi nhiều, nhưng mà lượng khách ổn”, cô Vân đáp. “Chắc còn ông già bà cả mới mặn mà báo giấy hả cô?”, tôi hỏi tiếp. Cô Vân khoát tay: “Hông có đâu nghen! Khách già có, trẻ có, đủ hết nghen. Nhiều người trẻ họ thích coi báo giấy hơn coi trong điện thoại. Họ nói coi điện thoại lâu mỏi mắt lắm, coi báo giấy rộng rãi, thoải mái hơn”. 

Ngót nghét mà kệ báo của cô Vân cũng đã hơn 20 năm. Khách vãng lai có, khách mối có…, bán riết thành quen, chuyện lời lãi nhiều khi không phải là vấn đề chính nữa. “Khách mối ra lấy báo hỏi thăm vài ba câu vậy mà vui. Bữa nào người ta đi trễ chút là trông, để dành sẵn tờ báo luôn. Bán báo rồi thành ra khoái đọc luôn, ngày nào cũng lướt coi có tin tức gì hông. Tiền lời chắc cũng đủ tiền chợ, nhưng phần này tui cũng không còn lo nữa vì con cái lớn hết rồi. Báo còn in thì mình còn bán, già quá bán hông nổi nữa thì mới thôi”, cô Vân tâm sự.

2. Ở một xe bán báo nhỏ lỉnh kỉnh từ báo, tạp chí, truyện tranh trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), thấy khách dừng xe, chị chủ Thu Loan (45 tuổi, ngụ quận 8) lật đật: “Hai tờ như cũ ha? Thêm gì nữa hông?”. Chú khách lắc đầu, lấy 2 tờ báo kẹp gọn trên ba ga xe, trả tiền rồi đi nhanh về phía Chợ Lớn. “Khách mối của tui đó, ngày nào cũng ra lấy. Bữa nay chắc có công chuyện đi gấp chứ thường ngày đứng lại tếu táo mấy câu mới chịu đi”, chị kể.

Chúng tôi mua 2 tờ báo, rồi bắt chuyện. Chị Thu Loan kể: “Tui bán ở đây mới có 6 năm thôi. Trước đó xe báo này của bạn tôi, cũng hơn 15 năm. Nó bận công chuyện gia đình nên sang lại”. Sắp xếp lại chỗ báo và truyện tranh, chị nói tiếp: “Bây giờ, bán ít hơn hồi trước nhiều lắm nhưng mấy năm nay cũng ổn, khách quen mua đều đều. Bán thêm card điện thoại rồi truyện tranh nữa, mỗi thứ một chút chứ báo không thì ít lắm”.

Hai vị khách trẻ tới lấy báo và tạp chí, đứng lại trò chuyện cùng chị Loan. Cô gái chừng 27, 28 tuổi dặn: “Bữa sau, chị để thêm cho em một tờ Công an nữa nha, ba em khoái đọc tờ này”.

Khách mối rời đi, chị Loan kể: “Bây giờ người ta ít mua báo giấy hơn cũng vì một phần nó lên giá, nhiều khi có mấy ngàn thôi nhưng đọc lâu dài, cũng bộn tiền. Mấy ông xe ôm hồi xưa mua mối, bây giờ giảm hẳn. Vợ chồng này chắc cũng khá, nên mới dặn nhiều vậy, chứ thường người ta dặn một hai, tờ thôi à”.

Gần 10 giờ, xe bán báo của chị Loan cũng thu dọn. Mấy tờ báo trong ngày cũng hết sạch chỉ còn vài cuốn tạp chí, truyện tranh. “Đủ tiền chợ hông chị?”, chúng tôi hỏi. Chị Loan cười: “Xe bán này cũng đủ tiền chợ, còn con cái học hành hay sắm sửa trong ngoài thì tôi có cho thuê nhà trọ, lấy phần đó mà lo, thành ra bán báo lai rai kiếm thêm chứ không có áp lực lắm”.

3. “Xe ôm chứ ngày nào tui cũng đọc báo, tin tức này kia biết ráo trọi à nha”, chú Văn Thành (52 tuổi, ngụ quận 5) thổ lộ. Đậu xe đón khách kế bên sạp báo nhỏ ngay góc đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn gần đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3), thành ra đọc báo trở thành thói quen mỗi ngày của chú. Chú Thành chia sẻ: “Ngày nào cũng mua một tờ vì không đọc là thấy thiếu. Có chở khách sớm thì cũng mua để đó rồi trưa đọc. Bà chủ sạp nghỉ bán ngày chủ nhật là tui phải vòng qua bên đường Nguyễn Thị Minh Khai mua”.

Không chỉ riêng chú Thành, đọc báo sớm dường như là thói quen của không ít người ở TPHCM. Tại quán cà phê, điểm tâm sáng trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, nhóm ba người ai nấy một tờ báo, vừa đọc vừa rôm rả bàn tán, thỉnh thoảng hớp ngụm cà phê. Anh Lê Minh Toàn (38 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận 3) kể: “Cuối tuần, ra đây cà phê với mấy ông bạn rồi mua luôn tờ báo chứ thường ngày đi làm sớm, coi tin tức trên điện thoại, máy tính luôn. Nhưng cuối tuần, ra đây thì lại thích báo giấy, đọc từng trang rồi cà phê, nói chuyện với bạn bè cũng hay, chứ cầm điện thoại hoài chán lắm, ai cũng cắm cúi vào điện thoại thì còn gì nữa đâu mà nói”.

Quy mô và số lượng các sạp bán báo giấy trong thành phố đã giảm thấy rõ trong nhiều năm qua. Câu chuyện sụt giảm và tương lai của báo in cũng được nhiều người nói tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những sạp - kệ báo trong thành phố; vẫn còn đó thói quen cầm tờ báo bên tách cà phê sớm, thì hẳn ít nhiều trong chúng ta có quyền tin vào sức sống của báo in với một bộ phận người dân. Nhận định một cách lạc quan thì biết đâu, câu chuyện của báo in ở tương lai lại đổi chiều… dù có thể chỉ là một giả thiết để vui tai và vừa lòng nhau. 

Tuy nhiên, khi người ta còn chăm chú, còn quan tâm những dòng tin ngắn dài trên trang báo giấy, mới thấy hết cái thú của việc đọc chậm. Giá trị của một tờ báo hay cuốn sách cũng nằm ở đó... Biết đâu trong nhịp sống hối hả, vài phút thong thả cùng báo giấy, lại thấy được sự thú vị của việc đọc chậm hoặc đơn giản là vài phút chậm lại giữa bộn bề cuộc sống. 

Còn sạp báo, còn người bán - người mua, thì báo giấy vẫn còn bạn đọc. Trước hết, hãy cứ nghĩ như vậy đã… 

Tin cùng chuyên mục