Chăm chút “lá phổi” của TPHCM - Bài 2: Xã hội hóa đầu tư công viên cây xanh

Công viên cây xanh (CVCX) là phúc lợi xã hội, là thước đo cho sự phát triển của những đô thị lớn và quan trọng, như TPHCM. Chính vì vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá lại quy hoạch CVCX; thay đổi phương pháp quản lý, thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư CVCX để TPHCM ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Các bạn sinh viên trong giờ thực hành vẽ tại công viên Tao Đàn. Ảnh: Việt Dũng
Các bạn sinh viên trong giờ thực hành vẽ tại công viên Tao Đàn. Ảnh: Việt Dũng

Từng hộ dân cùng chung tay

Sau nhiều năm các công viên trên địa bàn TP bị bê tông hóa, thu hẹp dần, năm 2021, lần đầu tiên UBND TPHCM “phát lệnh” đầu tư xây dựng hàng loạt công viên mới. Khởi đầu cho mục tiêu là đưa tỷ lệ diện tích đất công viên từ 0,64m2 hiện nay lên 1m2/người vào năm 2030.

Công viên Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) là một trong số 7 công viên mới được đưa vào sử dụng trong năm nay. Chị Nguyễn Thị Vui (nhà ở khu phố 3) cho biết, từ đầu năm 2021, công viên hoàn thành đưa vào sử dụng, cuộc sống tinh thần người dân thay đổi nhiều. Mọi người bắt đầu có thói quen tập trung ra công viên vui chơi, tập thể dục. Cán bộ phường dẫn chúng tôi ra công viên, giới thiệu: khu công viên có diện tích 3.500m2, được khởi công từ cuối năm 2020. Công viên không lớn nhưng được đầu tư đầy đủ các hạng mục phục vụ sinh hoạt, vui chơi cộng đồng từ lối đi dạo, dụng cụ thể dục, khu vui chơi dành cho trẻ em, thảm xanh, bãi giữ xe... Ngày cuối tuần có đến hàng trăm lượt người tới công viên vui chơi, giải trí. 

Trên công trường xây dựng công viên ven sông đường Trần Xuân Soạn (quận 7), các hạng mục cũng đang đồng loạt thi công. Những lối đi, thảm xanh đang hình thành.

Ông Nguyễn Đức Trí, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7, cho biết: “Chủ đầu tư đôn đốc đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ. Quận quyết tâm đưa công viên vào sử dụng trong năm 2021 theo đúng kế hoạch của TP”.

Dự án công viên ven sông đường Trần Xuân Soạn là một trong 3 công viên có quy mô lớn mà quận 7 triển khai thực hiện. Công viên có chiều dài trên 3.000m, với diện tích trên 97.000m². Hai công viên còn lại là Công viên Song Tân (ở phường Tân Kiểng) rộng 10ha và Công viên rạch Bần Đôn (phường Bình Thuận) rộng 9ha. Cùng không khí khẩn trương trên công trình công viên ven sông đường Trần Xuân Soạn, công viên Rạch Tra, hàng loạt dự án xây dựng công viên ở các quận huyện như Công viên Cây Sộp (quận 12), Công viên ở dự án hạ tầng giao thông cụm Đại học Quốc gia TPHCM (quận Tân Bình), Công viên tại đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi) cũng đang triển khai thực hiện. 

Để đạt mục tiêu 1m² đất cây xanh trên mỗi người vào năm 2030, thì chỉ riêng nguồn ngân sách TP sẽ không đủ, mà phải xã hội hóa, mời gọi doanh nghiệp cùng tham gia và thay đổi cách làm. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, bằng hình thức xã hội hóa, thu hút nguồn lực của doanh nghiệp, TP đã có thêm nhiều khu CVCX lớn, hiện đại.

Trong số đó, phải kể đến Công viên  Nam Viên tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) do Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Khu công viên lớn gồm 3 công viên nhỏ nối kết nhau, với chiều dài 630m. Công viên được thiết kế hiện đại, có hệ thống đường đi, tiểu cảnh và cây xanh bao lấy khu vui chơi công cộng, nhà ở.

Hệ thống cây xanh bố trí hợp lý trong không gian khu đô thị, không chỉ tập trung một điểm mà phân tán rải đều, đã biến Phú Mỹ Hưng thành khu đô thị xanh. Tỷ lệ đất cây xanh trên mỗi cư dân Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là 16m2­, rất cao so với tỷ lệ 0,64m2 của người dân TP hiện nay. Tại Khu đô thị Vạn Phúc (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), Tập đoàn Đại Phúc là chủ đầu tư dự án Công viên Kênh Sông Trăng rộng 5ha, kinh phí đầu tư 350 tỷ đồng.  

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết: thực hiện mục tiêu diện tích đất công viên 1m2/người vào năm 2030, ngoài việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội, Hóc Môn cố gắng thay đổi nếp nghĩ cách làm để tất cả người dân cùng tham gia trồng cây. Bên cạnh sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hợp lý, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng công viên có diện tích lớn, huyện chú trọng và yêu cầu các xã, chủ đầu tư kiểm tra, rà soát để phủ kín mảng xanh trong các dự án, khu dân cư. Chính quyền các cấp từ huyện đến xã vận động, tổ chức cho người dân trồng cây phân tán, làm xanh tổ ấp, đường sá, tạo cảnh quan môi trường. Mỗi người, từng hộ dân cùng chung tay trồng cây xanh từ nhà ra đường sẽ góp phần tăng diện tích đất công viên, mảng cây xanh trên toàn huyện. 

Nhiều giải pháp phát triển công viên

TPHCM đang hướng tới một đô thị sáng tạo, thông minh, xanh sạch và phát triển bền vững, trong đó phát triển CVCX là mục tiêu lớn. Để được như vậy, nhất định TP cần khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, “điểm mặt” đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng CVCX bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm mặt bằng để kinh doanh. Bên cạnh đó, TP kiên quyết xử lý các chủ đầu tư khu đô thị, khu dân cư không triển khai diện tích CVCX theo kế hoạch đăng ký với chính quyền địa phương. 

Lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM cho biết, một thông tin đáng mừng là đầu năm 2021, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030. Theo đó, TPHCM đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2020-2025, đối với công viên tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên công cộng. Diện tích công viên công cộng trên đầu người tăng 0,65m2/người. Trong giai đoạn 2026-2030, đối với công viên, đất công viên công cộng đạt bình quân 1m2/người. Tất cả các dự án khu nhà ở trên địa bàn TP đều được đầu tư hoàn chỉnh CVCX…

Để thực hiện các mục tiêu trên, TPHCM đề ra một số nhóm giải pháp như: Phát triển công viên trên địa bàn TP; trong đó, đối với các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch các cấp (1/5000, 1/2000) sẽ thực hiện rà soát, lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc khu đất. Tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng công viên.

Đồng thời, đối với các nhà xưởng, nhà máy hiện hữu trong các khu dân cư thì thực hiện việc di dời ra khu vực phù hợp. Điều chỉnh chức năng các khu đất này thành đất công viên, vườn hoa để xây dựng, phục vụ cho cộng đồng dân cư sinh sống. Rà soát danh mục các công viên trong dự án phát triển nhà ở chưa đầu tư xây dựng, nhất là các dự án đã có người dân vào sinh sống. Đối với những trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn chỉnh thì yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch, lộ trình hợp lý để đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ CVCX trong dự án đúng theo quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và đảm bảo chất lượng cây xanh, mảng xanh.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CVCX hiện hữu trên địa bàn TP. Trong đó, đối với công viên công cộng, triển khai hướng dẫn lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng đối với từng công viên công cộng tập trung. Trước mắt, trong giai đoạn 2020-2021 tập trung hoàn tất thực hiện đối với các công viên lớn, trung tâm trên địa bàn TP. Thực hiện việc xác định, thiết lập ranh mốc, chủ quyền, số hóa các công viên công cộng trên địa bàn TP.

Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu để thống nhất việc quản lý quy hoạch, mặt bằng các công viên. Đồng thời, rà soát các trụ sở, cơ quan, nhà dân chiếm dụng trên mặt bằng các công viên và lập đề án thực hiện việc di dời để trả lại mặt bằng các công viên. Trong giai đoạn trước mắt, các công viên trên địa bàn TP còn thiếu thì tận dụng các quỹ đất mảng xanh lớn, đất cây xanh cách ly, đất dự trữ giao thông để đầu tư, bổ sung các chức năng tương tự như công viên.

Tin cùng chuyên mục