Chắc chân thị trường nội, rộng cửa thị trường ngoại

Thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Nắm bắt lợi thế 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm và chế biến nông thủy sản Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là ngành đã và đang góp phần quan trọng vào việc ổn định an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Điều này được thể hiện rõ hơn trong đợt dịch Covid-19. Chúng ta hoàn toàn tự chủ được về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm cả nước. Dù có những rào cản về mặt đi lại, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường quốc tế, nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN), xuất khẩu nông sản thực phẩm vẫn tăng trưởng với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý đầu năm 2020 đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, cú sốc dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều xáo trộn, khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị “đứt gãy”, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho, trong khi đó DN phải duy trì trách nhiệm xã hội, khiến nhiều DN gặp khó khăn, chịu nhiều sức ép. 

Chắc chân thị trường nội, rộng cửa thị trường ngoại ảnh 1 Nhiều sản phẩm thực phẩm Việt đã khẳng định mình tại thị trường khó tính như Hoa Kỳ, 
châu Âu, Nhật Bản

Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh kéo dài cũng đã làm thay đổi đáng kể hành vi của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean cho rằng, hiện người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo an toàn về thực phẩm nhiều hơn sau dịch bệnh nên có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa do có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, khoảng 76% người tham gia khảo sát cho biết ưa chuộng hàng nội địa hơn sau dịch Covid-19 và đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Mặt khác, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao, các loại thực phẩm tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh đang là lựa chọn hàng đầu, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế hướng đến. Điều này đang tạo ra những lợi thế rất lớn cho hàng Việt không những tại thị trường trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu. 

Nâng cao nội lực cho doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, đứng trước sóng gió trên, các DN sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước, ổn định giá cả thị trường, chủ động thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường khu vực và thế giới. Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm 9 tháng đầu năm 2020 đạt 103,4% so với cùng kỳ. 

Hiện Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan để đồng hành cùng cộng đồng DN ngành nông sản, công nghiệp thực phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong đó, việc tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả giúp DN Việt Nam duy trì hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu.  

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: “Dịch Covid-19 đã tạo ra sức ép lớn hơn để bộ, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, nhất là những chương trình hỗ trợ DN. Tính đến nay, Bộ Công thương đã chạy khoảng 5 nền tảng hỗ trợ DN, cùng với đó là hệ sinh thái xúc tiến thương mại đang được xây dựng và hoàn thiện”.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, do tình hình dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cung cấp hàng hóa, nên Saigon Co.op đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm đảm bảo hàng thiết yếu giá tốt luôn đầy đủ, không bị đứt hàng.

Riêng với nguồn hàng phục vụ tết, từ giữa năm, Saigon Co.op đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 lần, nhằm chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa tết. Đồng thời để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op cũng đã có kế hoạch tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa 5 - 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm. Không gian mua sắm và làm việc được khử trùng, bắt buộc đeo khẩu trang và đo thân nhiệt.

Cũng theo ông Đức, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá. Thiết kế giảm giá sớm và khoa học để giảm áp lực mua sắm cho người dân, những ngày cận tết chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt các món chế biến sẵn ở siêu thị, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm tết và 10 ngày cận tết có thể giảm giá sâu hơn. Các hoạt động khuyến mãi gồm tặng quà, tặng điểm thưởng, phiếu quà tặng… cũng được tổ chức liên tục.

Tin cùng chuyên mục