Cây xanh đô thị - Tiêu chí hàng đầu của chất lượng sống tốt

Người ta có thể chấp nhận một TP không có khách sạn 5 sao, không có các casino, nhưng quả thật không thể chấp nhận một TP trần trụi không có cây xanh.
Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu dân cư đô thị kiểu mẫu do một phần rất lớn nhờ quỹ cây xanh và phân bổ hợp lý. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu dân cư đô thị kiểu mẫu do một phần rất lớn nhờ quỹ cây xanh và phân bổ hợp lý. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cây xanh là một yếu tố cấu thành nên diện mạo và đời sống đô thị. Trong nhiều trường hợp, niềm tự hào của công dân về thành phố (TP) không phải là tăng trưởng kinh tế, công trình cao tầng mà lại là cây xanh. Nhưng giá trị thật của cây xanh không chỉ về thẩm mỹ…

Càng ngày người ta càng khám phá ra các giá trị khác của cây xanh trên tất cả các phương diện sinh học, kỹ thuật, kinh tế và văn hóa xã hội.  Một trong số các giá trị đó là về khía cạnh văn hóa - xã hội. Chúng ta thử điểm qua một vài giá trị ưu việt trong số đó:

Cây xanh làm giảm tội phạm. Các nhà xã hội học Mỹ nghiên cứu thấy rằng các tệ nạn xã hội giảm đi rất nhiều sau khi các công viên cây xanh thay thế cho các bãi đất trống chứa đồ phế thải ở các khu vực sống của người da đen, người Mexico. Chính các công viên cây xanh này làm cho đời sống tinh thần tốt hơn lên, thanh niên có chỗ chơi tử tế hơn và tăng mức độ giao tiếp. Công viên cây xanh làm cho quan hệ cộng đồng gắn bó hơn.

Đời sống đô thị vốn khép kín, mức độ cá nhân hóa cao. Sau một ngày làm việc, người ta có xu hướng nhốt mình trong căn hộ chung cư. Ở các khu phố có nhiều tộc người khác nhau, do đặc tính văn hóa khác nhau mà người ta có xu hướng co cụm lại trong cộng đồng của riêng mình. Điều này làm cho bức tranh đô thị nhiều màu xám. Làm thế nào để cho con người gặp gỡ nhau nhiều hơn trong một môi trường đa văn hóa? Các nhà nghiên cứu nhận thấy các công viên cây xanh chính là một môi trường mở, tạo điều kiện cho dân cư khác nhau về dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp gặp gỡ nhau, trò chuyện, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn. Có thể người lớn còn ngần ngại nhau, nhưng chính công viên cây xanh là nơi gặp gỡ trước hết là cho con trẻ và sau nữa từ trẻ con là cầu nối đến người lớn. Một khu dân cư không thể được coi là “sống được” nếu không có công viên cây xanh. Khu dân cư Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu dân cư đô thị kiểu mẫu do một phần rất lớn nhờ quỹ cây xanh nhiều và phân bổ hợp lý.    

Người ta có thể chấp nhận một TP không có khách sạn 5 sao, không có các casino, nhưng quả thật không thể chấp nhận một TP trần trụi không có cây xanh. Một TP không hay ít cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn dạo bị coi là TP thiếu sức sống, không có “hồn” và hơn cả là thiếu không gian văn hóa.

TPHCM thiếu hụt mảng xanh

Ai cũng thấy được giá trị của mảng xanh, có thể ít hay nhiều, nhưng có được nhận thức, thái độ ứng xử và hành động đúng thì không phải là tất cả. Tình trạng cây xanh tại TPHCM như thế nào? Diện tích cây xanh tính trên đầu người là một trong 32 tiêu chí để đo lường chất lượng sống đô thị. Khi xếp hạng một TP thì cây xanh được coi là một trong số các tiêu chí xếp trong nhóm hàng đầu, nó còn đứng trên cả tiêu chí giá cả sinh hoạt. So sánh với tiêu chí mảng xanh của các TP châu Á thì TPHCM nằm ở nhóm cuối cùng. Tiêu chuẩn cây xanh ở đô thị châu Âu là 12m² - 15m²/người, ở đô thị châu Á là 8m² - 10m²/người, trong khi đó ở TPHCM chỉ có là 0,5m² - 0,7m²/người (trong báo cáo của Cục Thống kê TP nêu 2,3m²/người là tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ).

Sau hơn 15 năm chỉnh trang các quận trung tâm gồm quận 1, quận 3 thì diện tích dành cho cây xanh giảm đi hơn 40%. Tất cả các biệt thự của quận 3 khi chuyển đổi công năng thành nhà phố thì hầu như tất cả các diện tích cây xanh khuôn viên bị triệt phá. Các tòa cao ốc xây mới theo hình thức móc lõm (có hàng chục công trình như thế đang mọc lên ở khu trung tâm) nhưng không hề có mét vuông đất nào dành cho cây xanh. Các công viên lớn bị xẻ thịt để sử dụng vào các mục đích khác. Chẳng hạn Công viên Tao Đàn bị mất hơn 1.000m² đất cho Trung tâm Thể dục thể thao Nguyễn Du, thậm chí nhiều công viên bị triệt phá để xây dựng các cao ốc như Công viên Chi Lăng. Tới đây, nhiều công viên sẽ bị ảnh hưởng do các công trình xây mới như công trình hầm đậu xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám, Trống Đồng, bãi đậu xe nổi ở Thảo Cầm viên. Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với việc triển khai hệ thống Metro ở Hà Nội và TPHCM thì số lượng cây xanh có tuổi đời trên trăm năm bị triệt phá rất lớn…

Trong khi đó, các khu dân cư mới hình thành sau năm 1990, nhưng diện tích cây xanh tập trung (công viên, vườn dạo, vườn hoa) hầu như không có, như Bàu Cát 1 và 2, khu dân cư An Phú - An Khánh. Duy nhất ở TPHCM hiện nay chỉ có Phú Mỹ Hưng là đảm bảo cây xanh và mảng xanh trên đầu người theo tiêu chuẩn châu Á.

Cây xanh ở TPHCM tuy ít nhưng chủ yếu là cây xanh phân tán, hầu như không có nhiều khu vực cây xanh tập trung. Các rừng cây tự nhiên trong TP, các công viên sinh thái, các khu vườn có nhiều cây tập trung có giá trị cải thiện đời sống TP hơn hẳn các cây xanh phân tán. Các khu cây xanh tập trung là nơi nghỉ ngơi thư giãn vào lúc rảnh rỗi, nhất là vào cuối tuần cho người dân. Ở đó họ có thể đi dạo, trò chuyện, ngắm cảnh, cắm trại… Các khu rừng cây tập trung có giá trị rất cao trong việc điều hòa khí hậu. Ở khu vực trung tâm TPHCM hiện nay, cây xanh tập trung rất ít, các công viên chỉ đếm không quá một bàn tay (23-9, 30-4, Thảo Cầm viên, Tao Đàn, Lê Văn Tám). Các cây xanh  phân tán trồng trên các vỉa hè rất nhỏ (thường là dưới 2m) không mang lại giá trị nào, hơn thế nữa nó lại làm cản trở tầm nhìn của người đi đường, cản trở người đi bộ, phá hỏng vỉa hè.

Tin cùng chuyên mục