Cây thành ngạnh gai xâm lấn đồng cỏ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Thung lũng Ya Book nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) có cánh đồng cỏ rộng đến 16.000ha, nơi đây từng chứng kiến rất nhiều loài thú chọn làm nơi cư trú. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, một loài cây gai xâm lấn rất nhanh thung lũng Ya Book, khiến các loài thú dần bỏ đi.

Nơi trú ngụ của động vật hoang dã

Bỏ chiếc xe máy tại trụ sở của VQG Chư Mom Ray (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), chúng tôi theo chân lực lượng bảo vệ rừng VQG Chư Mom Ray để tìm đến thung lũng Ya Book. Sau nhiều giờ băng cắt hàng chục cánh rừng già cổ thụ, thung lũng lớn nhất nhì cả nước nằm giữa vùng lõi của VQG Chư Mom Ray dần hiện ra.

Thung lũng Ya Book trước mắt là vạt rừng đầy cây gai, cỏ dại phủ kín gần như hết diện tích. Để mở đường, anh Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cùng một kiểm lâm đi trước dùng cây gạt từng cành gai ra một bên để mở lối vừa đủ cho người sau luồn lách qua khe hở.

Điều làm mọi người khá ngạc nhiên là giữa khu vực xung quanh toàn là rừng cây cổ thụ lại xuất hiện một thung lũng khá bằng phẳng thẳng cánh cò bay, cảnh tượng tưởng chỉ có thể bắt gặp ở đồng bằng. Thoạt nhìn, thung lũng mang đến cho người lạ cảm giác của sự ngạc nhiên và rất đỗi hoang vu.

Cây thành ngạnh gai xâm lấn đồng cỏ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray ảnh 1 Thung lũng Ya Book hồi xưa thu hút nhiều thú rừng

Theo quan sát của chúng tôi, cả thung lũng chỉ còn sót lại khoảng 6ha cỏ xanh mơn mởn. Tinh mắt để ý phía dưới đám cỏ, các dấu chân thú in hằn rõ trên nền đất bùn. Luồn lách qua những nhành gai nhọn hoắt, chúng tôi tiến sâu bên trong thung lũng. Trên đường đi, chúng tôi tình cờ bắt gặp 10 cá thể heo rừng đang uống nước và tìm kiếm thức ăn. Đàn heo rừng chỉ bỏ đi khi chúng tôi tiến gần đến tầm 10m.

Rảo bước một vòng quanh thung lũng, nhìn cảnh cây gai lấn át đồng cỏ, thú thì bỏ đi hết, anh Thủy cho biết, thung lũng này là nơi cư trú, là môi trường sống và cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài thú hoang dã, vì thế, mọi người gọi nơi này là bãi thú Ya Book. Cách đây khoảng 15 năm, bò tót, nai, sơn dương, heo rừng… kéo nhau thành từng đàn về đây gặm cỏ.

Ngoài ra, các loài thú ăn thịt cũng quần tụ về đây kiếm mồi như hổ, báo, gấu, sói… Cứ vào mùa khô, bãi cỏ ở đây sẽ bị cháy, sau đó chỉ cần gặp trận mưa rào, cỏ mọc xanh mơn mởn trở lại, lúc này thú đổ dồn về đây tìm thức ăn. Cả thung lũng lúc đó, dấu chân thú in hằn khắp nơi.

Cây gai xâm hại, thú bỏ đi hết

Theo anh Thủy, từ năm 2007 đến nay, thung lũng này đã có rất nhiều héc-ta đất bị cây thành ngạnh gai lấn chiếm. Nhiều nơi, loài cây này đã đạt độ che phủ trên 70% diện tích. Có nơi cây thành ngạnh gai che phủ trên 90% và hiện đang phát triển với tốc độ rất nhanh, báo hiệu nguy cơ “chiếm hữu” toàn bộ thung lũng vùng lõi Ya Book trong thời gian gần.

“Hồi xưa chưa thành lập vườn, mùa khô hàng năm khu vực đồng cỏ thường xảy ra cháy, dẫn đến cây gai không mọc được. Còn bây giờ cây này phát triển được do vườn bảo vệ không để xảy ra cháy rừng. Đây là cây bản địa, tuy nhiên theo mục tiêu bảo tồn thì nó không phải là cây phù hợp với mục đích bảo tồn các loài động vật hoang dã. Gai của loại cây này rất nhọn và sắc nên đâm vào thú và xâm lấn đồng cỏ làm mất nguồn thức ăn của thú, khiến thú rừng bỏ đi. Để kéo các loài động vật về với thung lũng Ya Book, các chuyên gia sau khi nghiên cứu đã đưa 2 giải pháp: Đốt trước có điều khiển và đào gốc bỏ đi. Tuy nhiên hiện nay, luật pháp không cho phép thực hiện cả 2 giải pháp đó đối với rừng tự nhiên”, anh Thủy cho biết.

Cây thành ngạnh gai xâm lấn đồng cỏ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray ảnh 2 Cây gai xâm lấn
Theo ông Võ Sỹ Chung, Giám đốc VQG Chư Mom Ray, bị loại cây này xâm lấn, các loài thú móng guốc đã bỏ đi, kéo theo đó nhiều loại khác cũng biến mất. Vì vậy, nguy cơ mất hết đồng cỏ thung lũng Ya Book và giảm thêm đàn thú móng guốc ở Chư Mom Ray là điều khó tránh khỏi. 

“Hiện để phục hồi lại cánh đồng cỏ, thu hút các loài thú quay về thì một mình chúng tôi không thể thực hiện được, mà cần có sự vào cuộc của các đơn vị chức năng và các nhà khoa học”, ông Chung cho biết thêm.

Theo kết quả điều tra của các chuyên gia, trong VQG Chư Mom Ray có 120 loài động vật có vú, trong đó có nhiều loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Số lượng bò tót ở đây có từ 25 đến 30 đàn.

Cách đây hơn chục năm, các đàn bò tót thường chọn thung lũng Ya Book làm nơi trú ngụ. Tuy nhiên từ khi cây thành ngạnh gai xâm lấn, thung lũng giờ còn rất ít thú ở. Lần gần đây nhất, các cán bộ VQG nhìn thấy bò tót là vào ngày 17-2-2017.

Thời điểm đó, một chú bò tót khoảng 7 tuổi, nặng 900kg đi lạc ra tỉnh lộ 674 (tiểu khu 677, lâm phần VQG Chư Mom Ray quản lý) rồi húc vào xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng. Con bò tót chết tại chỗ, còn chiếc xe ô tô tải bị móp phần đầu. Chú bò xấu số sau đó được đưa về VQG phục vụ mục đích nghiên cứu. Không chỉ bò tót, các con hổ, gấu, sói, báo… cũng hiếm khi còn được người ta nhìn thấy ở thung lũng nữa.

Tin cùng chuyên mục