Cây nguyệt quế

Biền có tiếng cười rất khoáng đạt, chính tiếng cười muốn làm vỡ tung cả không gian quanh anh đã khiến tôi chú ý tới anh. Tôi giao ước với anh: “Lấy nhau, anh và em ở nhà tập thể, khi nào có tiền ít thì mua miếng đất nhỏ, có tiền to thì mua miếng đất to mà ở, anh nhé”. 

Anh lắc đầu: “Không được đâu. Mẹ nói anh phải về nhà mẹ ở. Buổi sáng pha trà, buổi trưa nhổ tóc ngứa, buổi tối đấm lưng cho mẹ ngủ”. Tôi nhíu mày: “Vậy thì em không lấy anh”. Anh cười: “Không lấy anh thì em ở vậy suốt đời à?”. 

Tôi biết anh nói đùa cho vui thôi. Bởi anh là con trai làng quê, nhà anh xa tít, giữa những con đường đầy cây dâm bụt, có hàng cau cao đều nhau được trồng trên lối nhỏ vào nhà. Nhiều khi tới nhà anh chơi, anh lấy chiếc võng treo ở giữa hai gốc cây, cùng tôi tận hưởng không khí thật trong lành.

Mẹ anh rất tôn trọng cõi riêng tư của chúng tôi, thỉnh thoảng lại nấu một nồi bắp hoặc khoai luộc cho “con dâu tương lai của mẹ” ăn. Mẹ vẫn kể cho tôi nghe chuyện anh hồi nhỏ. Lần lượt chắp nối những câu chuyện của mẹ, tôi có thể hình dung cả quãng đời từ bé con cho đến ngày khôn lớn của anh. Mẹ nói: “Thằng Biền nhà mẹ nó thật thà lắm. Nó gặp con là may cho nó. Ai đời đến 10 tuổi rồi mà vẫn còn đái dầm”. Biền chẳng hề giận mẹ mình, lại vui vẻ: “Thiên tài mới đái dầm ở tuổi lên 10 đó mẹ ạ”.

Cây nguyệt quế ảnh 1

Thường thì ở nhà quê sinh con rất đông, nhưng nhà anh lại là ngoại lệ. Nhà chỉ có hai chị em, chị Liên là con gái đầu, lấy chồng rồi về ở với mẹ chồng. Mẹ anh nói với tôi: “Nếu con thích thì về đây mà ở. Cảnh nhà quê buồn nhưng làm cho tâm hồn mình thư thả lắm. Nhà mình cũng rộng, có bóng người đi ra đi vô, cây cỏ nó cũng vui”. Bố anh thì gật gù: “Thời buổi này làm gì có chuyện làm dâu. Con và thằng Biền yêu thương nhau là đủ. Thôi thì hai đứa lấy nhau, ở nhà chơi với bố mẹ dăm ngày. Sau đó thì hàng tuần về ăn cơm cho vui cũng được”. 

Thật ra, tôi cũng có mủi lòng, suýt tí nữa là tôi đã đồng ý dọn về với bố mẹ anh. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới thì tôi và anh cần phải có một đời sống riêng tư thật sự. Tính tình Biền hiền lành, anh rất dễ tin người, lại rất cẩu thả trong việc lo lắng cho mình. Yêu anh, tôi muốn chính tay mình nấu cho anh những món ngon anh thích; muốn không gian đêm là riêng tư của hai vợ chồng. Thậm chí vào những ngày nghỉ, tôi có thể vùi trong chăn êm cùng anh cho đến khi mặt trời lên cao tận đỉnh đầu mới dậy. Nếu tôi về làm dâu, tôi sẽ phải là người dậy sớm nhất trong nhà, tôi không thể để chồng chén bát trong bếp hẹn tới sáng mai. Và thế là sau ngày cưới, tôi và anh dọn về khu tập thể của cơ quan anh, tập chăm sóc cho nhau.

Biền là giảng viên dạy toán. Mỗi dịp hè, anh thường đưa sinh viên đi thực địa, có chuyến đi kéo dài cả nửa tháng. Tôi cũng đã quen anh trong một chuyến đi thực địa như thế, dẫu tôi chẳng liên quan chút nào đến nghề giáo. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở Huế. Hôm đó, anh đang đi tìm một vị có trách nhiệm phụ trách các khu di tích Huế để xin giảm giá cho sinh viên tham quan. Đoàn của anh tới trễ, lúc đó đã là 4 giờ chiều. Anh gặp tôi trước trung tâm di tích, rồi tôi đã lo xin giấy giới thiệu tham quan miễn phí cho anh. Anh mời tôi uống cà phê ở một quán nhỏ nép mình bên dòng sông Hương, thủ thỉ tâm sự: “Mấy em sinh viên nghèo lắm, nếu điểm tham quan nào cũng mua vé vào cửa thì nhiều em không có tiền”. Khi nhận ra tôi và anh cùng đồng hương, anh đã cười sảng khoái: “Về Nha Trang gặp nhé”. Về Nha Trang gặp - câu nói đó tưởng là cho vui, nhưng đã trở thành duyên nợ. 

Anh lại đưa sinh viên đi thực địa. Tôi nói với anh: “Em sẽ ăn cơm ở nhà mẹ”. “Đường dài trên 10 cây số, em đi được không?”. Tôi cười: “Em đi làm dâu”. Sẵn dịp, tôi xin nghỉ phép mấy ngày về nhà anh. Mẹ anh vui lắm, bà quan tâm: “Con có vẻ ốm quá đó Thùy. Ở nhà lo tẩm bổ cho có da có thịt”. Rồi tôi đi chợ, nấu cơm. Bố mẹ anh đều khen tôi nấu ăn ngon, tôi lại học từ mẹ những món ăn ngày xưa anh thích. Vào bếp, mẹ chỉ cho tôi từng chút: “Thằng Biền rất thích món cá bống kho khô. Con kho như thế này. Trong vườn nhà mình có nhiều rau rừng, để mẹ chỉ cho con phân biệt các loại rau, lặt về nấu với tôm khô là món thằng Biền rất thích”. 

Buổi sáng tôi thức dậy sớm, vào bếp nhen lửa nấu cho bố anh một ấm trà. Tôi phụ mẹ quét những chiếc lá rụng trong vườn, rải thóc cho bầy gà con vừa mới lớn trong sân thay mẹ. Không gian tôi đang sống như có chút gì sương khói, khi tôi cùng mẹ gom những chiếc lá khô trong vườn chiều, đốt lửa. Nhìn mẹ anh bạc trắng mái đầu ngồi thả từng chiếc lá vào trong ngọn lửa đang reo vui, tôi chạnh lòng như mình là người phạm tội. Bởi tôi biết, vì thương anh và cũng vì không muốn tôi buồn, bố mẹ anh đã đồng ý cho hai vợ chồng tôi ra ở riêng, trong khi họ rất cần anh và tôi ở bên cạnh để tuổi già đỡ cô đơn. 

Cho đến khi ngọn lửa tàn, bóng chiều nghiêng về trên những tán cây, mẹ đứng dậy: “Ngày mai con về lại rồi phải không? Sao ngày qua nhanh quá”. Tiếng mẹ chùng như khói của lá khô vừa đốt. Đó là lúc tôi cảm thấy se lòng.

…Biền ngạc nhiên khi tôi từ chối đi chơi đảo với anh ngày chủ nhật. Tôi nói: “Về thăm bố mẹ, anh ạ”. Anh ngạc nhiên vì lời đề nghị của tôi. Có thêm tiếng người, căn nhà như thêm sức sống. Bố và anh mải nói chuyện thời sự. Mẹ ra vườn hái rau để tôi nấu cho anh món canh rau vườn tôm khô. Tôi cũng hì hụi nấu món cá bống kho keo cho anh. Bữa cơm xong, tôi và anh sửa soạn trở về lại căn nhà của mình, mẹ bảo tôi ra vườn với mẹ. Mẹ đưa tôi đến một góc vườn, nơi vừa trồng một cây nguyệt quế. Mẹ nói: “Hôm nọ con nói là con thích hương nguyệt quế nên mẹ đã nói bố con đi tìm giống về trồng”. Lúc đó, tôi chỉ nói chuyện với mẹ cho vui thế thôi, nhưng mẹ đã có cách riêng của người già là lẳng lặng trồng cây nguyệt quế trong vườn. Bà lấy gáo dừa múc nước ở chiếc lu bên cạnh, tưới cây: “Nguyệt quế nở hoa vào đêm trăng tròn. Vậy là mỗi tháng con phải về nhà một lần để cho nguyệt quế nở hoa nhé”. 

Tôi nắm bàn tay da nhăn nheo của mẹ: “Hàng tuần, con sẽ về dù cho nguyệt quế không nở hoa, được không mẹ?”.

Tin cùng chuyên mục