“Cầu nối” trong khu phố

Ở cấp cơ sở, bí thư chi bộ khu phố không chỉ chăm lo cho người dân, là điểm tựa của những gia đình khó khăn mà còn là cầu nối, giúp tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn khu phố.   
Ông Trần Văn Thanh thăm hỏi bà Trần Thị Bạch Yến, người mới được ông giúp sửa chữa nhà
Ông Trần Văn Thanh thăm hỏi bà Trần Thị Bạch Yến, người mới được ông giúp sửa chữa nhà

Lo cho dân từ những việc nhỏ nhất

“Nhà tui nè, đẹp không? Bữa hổm, có người tới xây, nay mưa không bị ướt nữa”, gặp ai bà Trần Thị Bạch Yến (79 tuổi) cũng kéo lại khoe. 41 năm qua, mẹ con bà Yến sống trong căn chòi hơn 3m2, không nước, không nhà vệ sinh ở hẻm 183 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), ngày nắng thì nóng hầm hập, ngày mưa nước dột lênh láng. Biết chuyện, cận Tết Tân Sửu, ông Trần Văn Thanh lấy 25 triệu đồng tiền túi, nhờ người sửa nhà cho mẹ con bà Yến. 

Ông Thanh là Bí thư Chi bộ khu phố 1, còn bà Yến ở khu phố 3, nhưng tính ông Thanh là vậy, ai khó khăn, giúp được là ông giúp. Ở khu phố 1, ông Thanh thuộc nằm lòng hoàn cảnh từng gia đình. “Đảng phải gần dân, hiểu dân, chăm lo cho dân thì dân mới tin vào đường lối, chủ trương của Đảng”, ông Thanh luôn quán triệt với bản thân như vậy. Với tâm niệm ấy, hơn 6 năm làm bí thư chi bộ khu phố, ông đã giúp nhiều hoàn cảnh từ đau bệnh, khó khăn đến hỗ trợ việc làm cho những người cai nghiện ma túy, những trường hợp hoàn lương trở về.

Ở đầu hẻm 84 Bùi Viện, anh N.Q.T hàng ngày tỉ mỉ sửa xe máy cho khách. Nếu không phải người dân khu vực, không ai biết anh T. từng nghiện ma túy một thời. Động viên anh T. đi cai nghiện, rồi khi cai nghiện trở về, ông Thanh đề xuất phường tạo điều kiện cho anh mượn một điểm để sửa xe. Vài ngày, ông lại qua thăm hỏi, động viên anh T. một lần. Cứ thế gần 1 năm nay, anh T. cặm cụi làm ăn lương thiện để lo cho gia đình. Hay ông Bảy (giữ xe ở đầu đường Bùi Viện), nhờ ông Thanh cảm hóa bằng những buổi chuyện trò, giúp đỡ đúng lúc mà đã đoạn tuyệt với thói quen xấu trước đây. 

 “Bí thư chi bộ khu phố trên địa bàn quận 1 là “bàn tay” của Đảng bộ quận 1. Bởi họ là người trực tiếp truyền đạt, vận động, thuyết phục đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng chủ trương, chính sách; đồng thời cùng với nhân dân thực hiện những chủ trương, chính sách đó đạt kết quả cao nhất”, đồng chí Nguyễn Kim Đức khẳng định.
Đầu năm 2020, người dân khu phố 1 bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, hàng ngày ông Thanh đều dành thời gian đi một vòng khu phố, thăm hỏi tình hình kinh doanh, buôn bán của người dân. Những gia đình buôn bán ế ẩm, khó khăn, khi thì ông gởi tặng bịch quà, khi vài trăm ngàn đồng, động viên họ ráng vun vén vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Lo cho người dân từ những việc nhỏ nhất, bởi vậy khi có việc cần vận động, người dân hết lòng ủng hộ. Ông Thanh cho biết, khi quận 1 triển khai các biện pháp hạn chế tiếng ồn, ông vận động người dân trong khu phố không hát karaoke, mở nhạc ồn ào ảnh hưởng đến hàng xóm. Ở khu phố 1, có một số điểm kinh doanh mở nhạc lớn, ông Thanh cũng chủ động gặp gỡ, vận động chủ các nhà hàng hạn chế tiếng ồn, đảm bảo thời gian quy định. Bằng uy tín của mình, nhiều nơi đã tiếp thu góp ý của ông Thanh, chấp hành tốt quy định về tiếng ồn. 

Phát hiện sớm những thành phần cơ hội

Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 1 Nguyễn Kim Đức, với sự giúp sức của các bí thư chi bộ khu phố, việc vận động người dân địa phương thực hiện nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao. Trong đó, có những nơi, người dân đã trở thành lực lượng nòng cốt phát hiện sớm những thành phần cơ hội chính trị, góp phần ổn định trật tự trên địa bàn. 

Ở khu phố 6 (phường Bến Nghé, quận 1), địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng người ở nơi khác kéo đến tụ tập gây mất trật tự công cộng. Ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Chi bộ khu phố 6, không chỉ vận động người dân địa phương không tham gia tập trung đông người, mà còn trở thành “cánh tay” giúp chi bộ phát hiện các đối tượng lạ mặt đến lôi kéo người dân. Thậm chí, người dân khu phố 6 còn trực tiếp thâm nhập vào các vụ tụ tập gây rối, vận động những người trong cuộc giải tán đám đông. “Năm 2018, có đối tượng lạ đến thuê ở tại khách sạn trên đường Lê Lai. Một lần nghe người này nói chuyện điện thoại, người dân nghi ngờ họ có ý đồ lôi kéo người địa phương tụ tập gây rối nên đã báo tôi. Tôi đã tiếp cận, phát hiện đây là đối tượng cơ hội chính trị và đã báo quận can thiệp kịp thời”, ông Tuấn kể.

Trước đây, trên địa bàn khu phố 6 cũng có một người cơ hội chính trị, vào những dịp dự báo có hoạt động tụ tập đông người gây rối, ông Tuấn lại tổ chức các đoàn thể, khi thì Đoàn Thanh niên khu phố tới thăm hỏi, giúp dọn nhà cửa; khi thì Hội Cựu Chiến binh khu phố mời người này đi uống cà phê, đánh cờ… Từ những cuộc tiếp xúc ấy, bằng sự chân thành của các đoàn thể đã kéo người này ra khỏi các tổ chức cơ hội chính trị.

Trước mỗi vụ việc phức tạp, người dân ở quận, huyện khác hay kéo đến trước UBND TPHCM để gây áp lực cho TP, ông Tuấn chỉ đạo lực lượng nòng cốt khu phố tham gia vào đám đông, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Với sự thấu hiểu, lực lượng đã khuyên nhiều nhóm người trở về địa phương chờ sự giải quyết của chính quyền cấp trên. 

Thời điểm này, các địa phương tập trung tuyên truyền công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, ông Tuấn cũng tới từng nhà dân ở khu phố 6 để tuyên truyền, phổ biến về các quy định liên quan bầu cử. Dự đoán, nhiều đối tượng cơ hội chính trị sẽ lợi dụng sự kiện chính trị quan trọng này để tuyên truyền chống phá, trong những buổi gặp gỡ người dân, ông Tuấn cũng nhắc nhở người dân địa phương cảnh giác với những thông tin tiêu cực, phát hiện sớm các đối tượng cơ hội chính trị gây rối để địa phương kịp thời xử lý.

Tin cùng chuyên mục