Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” lần thứ 1 năm 2019

Cầu nối các tôn giáo, dân tộc anh em

Dù tên gọi có khác nhau, nhưng Ngày hội văn hóa các dân tộc với Liên hoan văn nghệ các tôn giáo và đồng bào dân tộc đã cùng tạo được sân chơi giúp kết nối, thu hút đông đảo thanh niên các dân tộc, tôn giáo cùng tham gia.

Nếu ban đầu chỉ xuất phát từ mục đích tạo giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thì nay các chương trình đã trở thành điểm hẹn của các tôn giáo, đồng bào dân tộc. 

Gắn kết nhau qua từng điệu múa

Đặc sắc, chuyên nghiệp là những nhận xét của khán giả và Ban giám khảo dành cho Liên hoan văn nghệ các tôn giáo và đồng bào dân tộc lần thứ 8 năm 2019 do Ủy ban MTTQ quận Tân Bình tổ chức. Suốt 8 năm qua, hầu hết các tiết mục tham dự liên hoan đều được đầu tư kỹ càng. 

Tham gia bằng tiết mục múa “Hoa thơm bướm lượn” với diễn viên là các sơ trong dòng Mến Thánh giá Tân Việt, sơ Trương Thị Hồng, nhóm trưởng kiêm biên đạo múa, chia sẻ: “Những ngày cùng nhau tập dượt đã giúp mọi người gần gũi, hiểu nhau hơn. Sau liên hoan, ai cũng vui vì được giao lưu, học hỏi, cũng như có thêm sự gắn bó với các tôn giáo bạn”. 

Năm 2012, Hội thi văn nghệ trong các tôn giáo quận Tân Bình diễn ra lần đầu tiên với sự tham gia của 17 cơ sở Công giáo và Phật giáo. Dù văn nghệ mang tính quần chúng, diễn viên là các chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo, ca đoàn, câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ của các cơ sở tôn giáo, nhưng hầu hết tiết mục đều được dàn dựng công phu, hoành tráng. Từ sự thành công này, quận Tân Bình quyết định duy trì hoạt động hàng năm, mở rộng đối tượng đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cầu nối các tôn giáo, dân tộc anh em ảnh 1 Liên hoan văn nghệ các tôn giáo và đồng bào dân tộc giúp mọi người gắn bó nhau hơn

Để giảm áp lực thi cử, ban tổ chức đã đổi tên hội th thành Liên hoan văn nghệ các tôn giáo và đồng bào dân tộc. Mỗi năm liên hoan chọn một chủ đề gắn với các sự kiện lớn của đất nước, thành phố như: ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình yêu quê hương, đất nước; tình đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo, tín ngưỡng; tình yêu thương và trách nhiệm với biển, đảo Tổ quốc... 

Theo bà Vũ Thị Nguyệt, Ủy ban MTTQ quận Tân Bình, liên hoan đã trở thành sân chơi, giúp kết nối và phát huy được những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, dân tộc. Đây còn là dịp để chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào các dân tộc giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó nhau qua từng điệu múa. Đến nay, mô hình liên hoan văn nghệ tôn giáo, dân tộc đã được nhân rộng đến nhiều quận huyện.  

Tôn vinh văn hóa các dân tộc anh em

Nhớ lại khoảng thời gian cùng nhóm bạn tập luyện điệu múa của dân tộc Khmer, Thạch Thị Mai (cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) vẫn nguyên cảm xúc. Mai cho biết, trước đây rất ngại phải giới thiệu mình là người dân tộc thiểu số, nhưng từ khi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc đến nay, cô lại cảm thấy tự hào về truyền thống, văn hóa của dân tộc mình.

Điều Mai “lời” nhất từ ngày hội là nhóm bạn thân 18 người đến từ nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Khmer, Chăm, Stiêng, Jrai. Suốt 2 năm qua, khoảng 3 tháng họ lại cùng quyên góp quà, rong ruổi trên các nẻo đường quê đi thăm và tặng trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa. 

Là người dân tộc Kinh, lần đầu được tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc, Nguyễn Thanh Trúc (sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) vui mừng vì được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của nhiều dân tộc ngay tại TPHCM, qua những hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, qua lời ca, điệu múa hay các trò chơi dân gian. Thanh Trúc tâm sự: “Mỗi dân tộc, dù đông người hay ít người đều có những nét văn hóa rất riêng, rất thiêng liêng. Vì vậy, ngày hội đã giúp mình trải nghiệm, từ đó hiểu hơn cái giàu, cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam”.

TPHCM là nơi có nhiều thanh niên, sinh viên từ mọi miền đất nước về học tập, làm việc và sinh sống, nên đây là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa của các dân tộc anh em. Để phát huy tình đoàn kết, lưu giữ và giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc, Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM đã tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Anh Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM, cho biết từ năm 2016 đến nay, ngày hội đã thực hiện được tâm nguyện đoàn kết giữa các dân tộc để gìn giữ non sông, đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại qua lá thư Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku (Gia Lai) vào ngày 19-4-1949.

“Ngày hội được tổ chức theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền, giới thiệu đến hội viên, thanh niên, sinh viên giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thanh niên”, anh Ngô Minh Hải bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục