Cầu Long Biên và Hàm Rồng xuất hiện trong bộ sách của tác giả nước ngoài

Bộ sách Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu (NXB Tổng hợp TPHCM) của Henry Grattan Tyrrell giống như một cánh cửa, mở ra những khám phá về hành trình phát triển của những cây cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX.  Đặc biệt, bộ sách có nhắc đến hai cây cầu Long Biền và Hàm Rồng của Việt Nam.

Tác giả Henry Grattan Tyrrell (1868 - 1948) sinh ra tại Ontario, Canada trong gia đình có truyền thống làm cầu. Những tác phẩm của ông về lịch sử, kỹ thuật và mỹ học công trình có ý nghĩa lâu dài, gìn giữ cho chúng ta thành tựu của con người trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình tới đầu thế kỷ XX.

Lịch sử và nghệ thuật luôn là đề tài có sức thu hút và hấp dẫn riêng. Bởi ở đó, chúng ta được đọc và tìm hiểu nhiều điều về nguồn cội trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội và những kỳ công của con người, trong đó có lĩnh vực xây dựng công trình.

Cầu Long Biên và Hàm Rồng xuất hiện trong bộ sách của tác giả nước ngoài ảnh 1 Bộ sách được ví như giống như một cánh cửa, mở ra những khám phá về hành trình phát triển của những cây cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX
Thời nào cũng vậy, nhân loại luôn khát khao chinh phục thiên nhiên, sự trường tồn của những cây cầu là lời khẳng định kiêu hãnh cho tài năng và sức sáng tạo con người. “Trình độ thẩm mỹ của mỗi quốc gia hay dân tộc bộc lộ qua cách họ xây dựng công trình trong đó có kết cấu cầu, đây cũng là thước đo trình độ văn minh và văn hóa của họ”.

Bộ sách bao gồm 1.299 hình minh họa (bao gồm nhiều phụ bản in màu), là thước phim mô tả nỗ lực của người thợ làm cầu từ khởi thủy, La Mã tới Phục Hưng; những mày mò của họ từ vật liệu bằng đá, gỗ, sắt, thép. Rồi cuộc các mạng khoa học kỹ thuật đưa họ chuyển từ kết cấu vòm, treo sang dây văng, mút hẫng. Phần đầu sách, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình tóm lược ngắn gọn lịch sử ngành cầu qua tiểu mục “Câu chuyện nhỏ về những câu cầu” bằng những giai thoại độc đáo và bức tranh thú vị về người làm cầu.

Đặc biệt, trong bộ sách này, tác giả có đề cập đến hai cây cầu Long Biên (Le Pont Doumer) và Hàm Rồng (Pont sur le Song - Ma) khiến người đọc không khỏi thích thú. Phụ lục cuối sách, dịch giả đã sưu tầm thêm các bài báo trong thư viện Trường Cầu đường Paris để giới thiệu ba số báo trên tờ Le Génie Civil - tập san kỹ thuật xây dựng dân dụng Pháp viết về cầu Long Biên và Hàm Rồng năm 1909 và 1925 với những thông tin chi tiết mà ta ít biết.

Qua từng trang sách, người đọc sẽ cùng nhau khám phá hành trình phát triển hình thức kết cấu cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX. Cuốn sách người đọc nhìn lại chặng đường đã qua của người thợ làm cầu, thấy được ý chí không ngừng của con người nỗ lực tìm ra những giải pháp mới, giúp con người vươn xa hơn, bay cao hơn. Những thành tựu ngày nay đạt được đều bắt nguồn từ những thử nghiệm thành công hay thất bại trong suốt ngàn năm qua của loài người.

Theo PGS-TS Trần Đức Nhiệm, nguyên Trưởng bộ môn Cầu - Trường Đại học Giao thông vận tải, Lịch sử những cây cầu là bản dịch tiếng Việt khá tốt của quyển sách đã được in ra cách đây hơn một trăm năm từ nguyên tác tiếng Anh của Henry Grattan Tyrrell - History of Bridge Engieering. Nhưng theo ông, nếu có thể gọi một cách chính xác hơn thì có thể coi đây là phiên bản in tiếng Việt của quyển sách này. Bởi lẽ, ngoài việc dịch khá trung thành với nguyên tác từ định dạng, cấu trúc, người dịch còn cất công sưu tầm, cập nhật và bổ sung các thông tin đầy đủ thêm về các cây cầu đã được kể đến trong nguyên tác.

Cũng theo PGS-TS Trần Đức Nhiệm, tất cả các hình ảnh có chỉ số phụ, kèm thêm các phụ chú, đều là những tư liệu được bổ sung. “Đọc thêm những điều đó cũng thấy thật thú vị và bổ ích, mặc dù đôi chỗ ngôn ngữ diễn đạt, các thuật ngữ chuyên môn có vẻ hiện đại hơn khá nhiều so với thời của tác giả, giống như màu thời gian trên các đồ cổ, đôi chỗ được đánh sáng bóng hơn là nó vốn thế”, ông nói thêm.

Có lẽ, những lời khen của PGS-TS Trần Đức Nhiệm hoàn toàn có cơ sở, bởi dịch giả của bộ sách Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu là Nguyễn Tuấn Bình, hiện đang giảng dạy chuyên ngành cầu tại trường Đại học Giao thông vận tải. Anh cũng trực tiếp tham gia một số dự án xây dựng cầu vượt Thái Hà - Láng Hạ, Chùa Bộc - Thái Hà, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái.

Tin cùng chuyên mục