Câu chuyện mới cho mỹ thuật đương đại Việt Nam

“Đã qua thời kỳ “khủng long” của mỹ thuật rồi! Không thể là “cừu non đội lốt sư tử” mãi nữa!”, chia sẻ của ông Lê Trọng Lân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành hội họa trong Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh những người đam mê, tâm huyết với mỹ thuật nước nhà.
Mỹ thuật kỳ vọng có những bước phát triển mới nhờ vào sức trẻ
Mỹ thuật kỳ vọng có những bước phát triển mới nhờ vào sức trẻ

Không chấp nhận những tác phẩm na ná

Theo ông Lê Trọng Lân, nền mỹ thuật hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc không thể có những sản phẩm tầm thường về mọi mặt, hình hài lăng nhăng nhưng có tên tranh rất kêu là Mạch sông, Nguồn sống, Tổ quốc, Châu Á đại dương…; những phong cảnh chung chung, tranh tĩnh vật loại xoàng; nhiều hình ảnh như đã thấy ở đâu đó quen mắt, lộ liễu. Người xem chán ngấy với những loại tranh có nội dung đề tài này nọ mà không có chất tạo hình. “Hội họa Việt Nam không chấp nhận những tác phẩm na ná như của nước ngoài, không phân biệt được là của Tây hay Tàu”, họa sĩ Lê Trọng Lân chia sẻ. 

Không khí sáng tác như ngày mùa, từ bậc cao niên đến trẻ tuổi, nam, nữ hào hứng lao động nghệ thuật. Những triển lãm mỹ thuật khu vực như ngày hội mùa bội thu, biết bao nhiêu là giải thưởng. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận phê bình mỹ thuật miệt mài, gương mẫu sáng tác rất nhiều tranh chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa với sự tìm tòi, thể nghiệm đáng trân trọng. Nhiều công trình nghiên cứu mỹ thuật đã công bố, xuất bản. Những cuộc giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế diễn ra sôi nổi. Hình như triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam đang báo hiệu xu thế người người, nhà nhà vẽ tranh, nặn tượng, trình diễn, body art... Mỹ thuật Việt Nam hiện nay như đang vận hành với tốc độ nóng mặt trên con đường cao tốc của mỹ thuật khu vực và thế giới.

Họa sĩ Lê Trọng Lân đặt câu hỏi: “Tốc độ ấy liệu có được yên tâm khi khuynh hướng hiện thực chưa vượt qua những thành công của lớp người đi trước?”. 

Phân tích kỹ hơn những hạn chế này, họa sĩ Trần Khánh Chương, cựu Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thừa nhận tồn tại trong hoạt động của ngành, trong đó vấn đề nhức nhối là vi phạm bản quyền, khiến nhiều nghệ sĩ phẫn nộ. Nạn tranh giả, tranh nhái, tranh chép, làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng đó, một số chuyên gia cũng nhận định, hiện ít tác phẩm mỹ thuật về những vấn đề lớn của đất nước, về lịch sử hào hùng của dân tộc. Một số tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, đơn giản, dễ dãi, mang tính minh họa. Ngành mỹ thuật ứng dụng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn ít thiết kế sáng tạo và mang bản sắc Việt. 

Chuyển giao thế hệ, khơi nguồn sức trẻ

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, danh sách Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ IX nhận được sự tán thưởng của đông đảo hội viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định đây là một cuộc chuyển giao thế hệ đầy niềm tin, tốt đẹp, tự trọng và lịch sự. Đây là thế hệ thứ 5 trong thời kỳ đổi mới, đưa sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam phát triển.

Là gương mặt trẻ vừa ra mắt trong Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ mới, họa sĩ Đào Quốc Huy hào hứng: “Yếu tố trẻ không phải đến kỳ đại hội này mới được mong chờ. Cái trẻ ở đây theo tôi là quan niệm, là cách tiếp nhận trẻ trung. Tôi mong muốn thời gian tới, hội sẽ thực sự phát triển theo hướng trong sáng, am hiểu, nhiệt tình và không vụ lợi. Chúng tôi cũng hy vọng với sức trẻ của mình sẽ làm nên một điều gì đó”.

Trong cương vị tân Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhắc tới trách nhiệm nặng nề: “Đứng trước thời điểm mà đời sống mỹ thuật đang sôi động trở lại, với các thế hệ nghệ sĩ còn rất trẻ 8X, 9X, chúng tôi tin hội làm nên “dung nhan” mới, câu chuyện mới cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”. 

Họa sĩ Hoàng Trung Dũng khẳng định, cần tập trung hơn việc khơi nguồn cho các thế hệ họa sĩ trẻ, họ chính là năng lượng sáng tạo mạnh mẽ nhất; cần gắn liền các cuộc phát động sáng tác với thực tiễn của cuộc sống, xã hội hóa những vấn đề có tính chất quảng bá, tuyên truyền các tác phẩm nghệ thuật đến gần với công chúng. Hàng năm cần có những cuộc phát động với quy mô rộng rãi trong các hoạt động sáng tác nghệ thuật. Tổ chức khen thưởng, động viên, trao giải kịp thời cho các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, có sức lan tỏa rộng rãi và phục vụ đời sống đương đại. Phát triển các trại sáng tác theo chủ đề của cuộc sống phù hợp với từng địa phương. Tạo không khí đoàn kết, dân chủ, tập hợp, động viên, phát huy khả năng sáng tạo và quyền tự do của nghệ sĩ.

Tin cùng chuyên mục