Câu chuyện châu Phi

Ngay từ khi bắt đầu công bố đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không ngừng cảnh báo và kêu gọi các nước đề phòng vì sợ lây lan không thể kiểm soát, nhất là ở những khu vực có cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế yếu kém, thiếu nhân viên y tế như châu Phi. 

Vậy nhưng trong khi châu Âu hiện có hơn 1 triệu trường hợp mắc và hơn 137.761 người tử vong vì Covid-19 thì châu Phi chỉ có 2.006 người tử vong với tổng số hơn 47.115 trường hợp mắc bệnh. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nam Phi, Ai Cập với ca đầu tiên vào tháng 2 vừa qua, tiếp theo là Morocco, Algeria và Nigeria. Theo Le Point, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong thừa nhận số liệu thống kê có thể chưa chính xác vì khả năng sàng lọc hạn chế. Tuy nhiên, ông cũng bác ý kiến cho rằng có quá nhiều ca mắc Covid-19 bị bỏ qua. Vậy điều gì đằng sau khả năng chống chọi đáng ghi nhận này của châu Phi?

Câu chuyện châu Phi ảnh 1 Cán bộ y tế khử trùng tại chợ đường phố ở thủ đô Nairobi, Kenya. Nguồn: AP
Một lý do có lẽ thực tế và thuyết phục hơn cả là lục địa đen nhìn chung phản ứng nhanh hơn châu Âu rất nhiều. Ngay từ khi phát hiện những ca mắc đầu tiên, các nước châu Phi đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, đặc biệt là hạn chế đi lại. Theo bà Glenda Davison, Trưởng khoa Khoa học y sinh tại Đại học Công nghệ Cape Peninsula (Nam Phi), điều này làm chậm tốc độ lây lan, giúp đất nước có thêm thời gian và tăng khả năng điều trị cho những người cần chăm sóc đặc biệt. Lần lượt các nước áp dụng các biện pháp như kiểm tra và theo dõi liên lạc, ban hành giới nghiêm và giới hạn các cuộc tụ họp trước khi dịch bệnh lan rộng. Thực tế, WHO đã từng lo lắng về sự tiến triển của đại dịch ở Tây Phi vào cuối tháng 4 nhưng sau đó đã có những thông tin được coi là “rất đáng khích lệ” khi một số quốc gia báo cáo “không có trường hợp nhiễm mới nào trong vài tuần”. 

Thêm giả thuyết nữa là lục địa này có dân số trẻ với 60% dân số dưới 25 tuổi, độ tuổi trung bình 19,4 tuổi. Như đã thấy ở những nơi khác, dân số cao tuổi hoặc những người dễ nhiễm bệnh (bệnh mãn tính, béo phì) được các bác sĩ mô tả là có nguy cơ đặc biệt. Ở Pháp, 75% số người chết vì Covid-19 đều trên 75 tuổi. Bắc Italy, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới, cũng có hơn 23% người trên 65 tuổi. Ở châu Phi, chỉ có 5% dân số trên 65 tuổi. Hơn nữa, ngoài một số quốc gia đông dân như Ai Cập, Tunisia, Morocco và Rwanda và một số siêu đô thị lớn như Lagos, lục địa này có mật độ dân số thấp chỉ với 43 người/km2. Trong khi ở Tây Âu con số này là 181 người/km2 và 154 người/km2 ở Đông Nam Á. Châu Phi cũng không phải chịu sự tác động mạnh mẽ của khách du lịch. Trong số 50 sân bay bận rộn nhất thế giới chỉ có một sân bay ở châu Phi, đó là sân bay tại thành phố Johannesburg.

Nhiệt độ cao cũng là lập luận được đưa ra để giải thích rằng châu Phi sẽ ít bị mắc bệnh hơn. Cũng có ý kiến cho rằng kinh nghiệm về dịch Ebola ở Tây Phi đã dạy cho các nhân viên y tế và người dân thói quen hữu ích như phát hiện, cách ly bệnh nhân, phòng ngừa trong quá trình chăm sóc và vệ sinh cơ bản như rửa tay. Tất nhiên, còn quá sớm để ăn mừng vì sự lây lan và các biến thể của virus vẫn còn là ẩn số. Điều chắc chắn cần ghi nhớ là không phải vì virus ít hoành hành ở châu Phi hơn (hay bất kỳ đâu) mà bỏ qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Tin cùng chuyên mục