Câu chuyện ấm tình người


Khởi động từ ngày 10-9, chương trình “Đồng hành vượt cạn” do Báo SGGP tổ chức đã đi một chặng đường không quá dài nhưng đầy ắp niềm vui khi trợ giúp, chuẩn bị chu đáo cho hàng trăm sản phụ an tâm vượt cạn. 

Có vài trường hợp khiến những người làm chương trình nặng lòng, trăn trở; nhưng trên tất cả, tình yêu thương, sự giúp đỡ đã kịp thời đến với những hoàn cảnh ngặt nghèo trong thời khắc cần thiết nhất. 

Chuyến xe ý nghĩa

“Ting ting… ting ting…” - hơn 21 giờ, Group Viber “Điều phối xe ĐHVC” trở nên rộn ràng khi loạt hình ảnh đưa sản phụ đến cổng Bệnh viện (BV) Hùng Vương đổ về. Cuối loạt ảnh là tin nhắn vỏn vẹn 2 câu với thông tin cụ thể: “Xe 152 - Võ Văn Hân hoàn thành nhiệm vụ. Chị Nguyễn Thị Như (phường 2, quận 11) đã an toàn nhập viện”. Đó là chuyến xe đầu tiên mà Quỹ công tác xã hội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình (Quỹ Phan Trọng Bình) thực hiện hỗ trợ sản phụ thuộc chương trình “Đồng hành vượt cạn” đi sinh. Niềm vui của những người điều phối lẫn lái xe tham gia đội xe ứng cứu nhân lên gấp bội khi người thân chị Như gọi điện cảm ơn, báo tin chị đã vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông với sự ra đời của bé gái cân nặng 2,9 kg. 

Phó Chủ tịch Hội Hộ sinh TPHCM Nguyễn Thị Tuyết Hằng trao quà hỗ trợ sản phụ Nguyễn Thị Thanh Nga

Anh Nguyễn Trung Hậu, chồng chị Như, cảm kích: “Vợ chồng em đều là công nhân, từ quê nghèo vào TPHCM kiếm sống, được chủ cơ sở cho ở nhờ ngay tại chỗ làm. Đêm khuya, vợ em trở dạ, may mà có bác tài xế chương trình “Đồng hành vượt cạn” đã liên lạc từ mấy ngày trước, dặn chừng nào đau bụng thì gọi điện bác tới đưa đi BV liền. Em thật không biết phải nói cảm ơn sao cho đủ”. 

Anh Võ Văn Hân (44 tuổi, kinh doanh ngành cơ khí, ngụ tại quận Bình Tân), thành viên đội xe ứng cứu Quỹ Phan Trọng Bình, cười xòa, chia sẻ: “Cũng chỉ là một chuyến xe trợ giúp như chúng tôi đã làm nhiều tháng qua để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Nhưng quả thật, lần này, tôi cảm thấy việc mình làm có thêm ý nghĩa thiêng liêng khác. Chuyến vượt cạn suôn sẻ của sản phụ, sự ra đời an toàn của một đứa trẻ chắc chắn sẽ là khởi đầu vui tươi, là niềm hạnh phúc của một gia đình. Tôi và anh em trong đội luôn sẵn sàng cho những chuyến xe vượt cạn sắp tới”.

Thông tin về chương trình “Đồng hành vượt cạn” đến với ban điều hành Quỹ Phan Trọng Bình chỉ một ngày trước khi chương trình được công bố. Chị Phan Hương Giang, Trưởng ban điều hành quỹ, ngay lập tức liên lạc với Báo SGGP, đề nghị tham gia trợ giúp xe đưa sản phụ thuộc chương trình đi sinh an toàn. Ban điều hành quỹ cam kết 200 xe thành viên đội ứng cứu sẽ thực hiện phần việc của mình một cách trách nhiệm nhất, an toàn nhất, không chỉ vì cái tâm làm thiện nguyện mà còn vì đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ, là sinh linh trẻ thơ trong thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời. 

Trợ giúp khẩn cấp

“Alo alo… khoa sản A cần tìm một ai đó hiện đang ở BV, biết tiếng Khmer, gấp nhé!”. Sau quy trình chuyên môn khẩn trương để cấp cứu bệnh nhân kịp thời, các điều dưỡng BV Từ Dũ lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi phải điện thoại khắp nơi tìm người phiên dịch. Sản phụ là người Campuchia, hoàn toàn không biết tiếng Việt.

Sau cả buổi trời chờ đợi, bác sĩ và bệnh nhân cũng trò chuyện được với nhau nhờ người thân của một sản phụ khác đang sinh ở BV. Chị tên Nhiên Thu (40 tuổi), lưu lạc từ quê nhà Campuchia sang Việt Nam kiếm sống bằng nghề bán vé số ở huyện Bình Chánh (TPHCM). Đau bụng sinh, chị Thu được người ở cùng khu nhà trọ đưa vào BV. Bác sĩ, hộ sinh đỡ đẻ cho chị hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm khám lâm sàng. May mắn, ca sinh khá nhanh, cháu bé ra đời an toàn. Đến giờ cơm, nhân viên của khoa thấy không ai chăm lo, cơm nước cho chị. Vậy là họ gom góp nhau ít tiền mua cơm cho chị ăn lấy sức để cho con bú, rồi nhanh chóng kết nối, chuyển thông tin cần hỗ trợ đến ban tổ chức chương trình “Đồng hành vượt cạn”.

Ngay sau đó, ThS. điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hộ sinh TPHCM, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Từ Dũ, đã đại diện chương trình trao ngay 3 triệu đồng hỗ trợ chị Thu ăn uống, sắm sửa đồ sơ sinh cho cháu bé.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó Chủ tịch Hội Hộ sinh TPHCM,
trao hỗ trợ sản phụ Neàng Sa Qươn

Cũng tại khoa sản BV Từ Dũ, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (quê Bình Thuận, hiện đang tạm trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM) là một trong những sản phụ đầu tiên được đại diện chương trình “Đồng hành vượt cạn” đến thăm và hỗ trợ từ giới thiệu của Hội Hộ sinh TPHCM. Chị Linh là hướng dẫn viên du lịch, mất việc làm hai năm qua vì dịch. Chồng chị, một thợ sửa máy may, cũng chẳng khá hơn trong cơn bão dịch bệnh.

Mang song thai, chị đi sinh giữa những ngày thành phố giãn cách, trong túi chỉ có mấy triệu đồng vay mượn từ nhiều nơi. Ngắm hai con trai sinh đôi khỏe mạnh, đáng yêu trong niềm hạnh phúc tột cùng, anh Lê Tiểu Trường (chồng chị Linh) bày tỏ: “Các con tôi sinh ra trong một giai đoạn đặc biệt, nhận được sự chăm lo chu đáo, vô tư, chứa đựng tình yêu thương vô bờ. Vợ chồng tôi xin ghi nhớ và chắc chắn kể lại cho các cháu nghe về kỷ niệm sâu sắc, đẹp đẽ này. Chúng tôi hy vọng các cháu cũng sẽ trở thành những công dân có ích, biết cống hiến cho mọi người như chính các cháu đã được nhận ân tình ngay từ lúc chào đời”.

Câu chuyện ấm tình người ảnh 3

Tin cùng chuyên mục