Tại buổi giám sát, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết, dự án xây dựng mới cầu Bưng thuộc địa bàn 2 quận Tân Phú và Bình Tân có diện tích đất thu hồi 664,8m2, trong đó có 2 doanh nghiệp trong khu Công nghiệp Tân Bình, thuộc diện giải tỏa một phần là Công ty TNHH Hwata Việt Nam và Công ty Cổ phần bánh Givral hiện vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công do chưa áp giá đền bù, hỗ trợ.
Dự án xây dựng cầu Bưng vượt kênh Tham Lương kết nối đồng bộ với đường Lê Trọng Tấn đồng bộ với dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Cầu có chiều dài 560m, tổng mức đầu tư 516 tỷ đồng.

Hai bộ này lại đề nghị Sở TN-MT phối hợp các sở ngành rà soát quy định pháp luật và thực tế thực hiện để báo cáo UBND TPHCM xem xét, xử lý theo quy đinh; trường hợp có vướng mắc thì UBND thành phố báo cáo về Bộ TN-MT là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các Bộ có liên quan xem xét, hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Ngày 2-3-2020, Sở TN-MT tiếp tục có công văn gửi lại Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn việc xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp nói trên, hiện đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến hướng dẫn về giá đất bồi thường đối với 2 công ty này. Hai công ty này yêu cầu có giá đất bồi thường mới chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Quận Tân Phú kiến nghị Sở TN-MT sớm thẩm định phương án về bồi thường, hỗ trợ tạm thời đối với 2 công ty trên chấp thuận bàn giao mặt bằng, khi có giá đất sẽ tiếp tục chi trả bổ sung. UBND TP xem xét, kiến nghị Bộ Tài chính sớm cho ý kiến hướng dẫn việc xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Bình.
Hầu hết các ý kiến của các đại biểu tại buổi giám sát đều cho rằng, vì 2 doanh nghiệp mà dự án kéo dài gây bức xúc dư luận. Vướng mắc là do chưa xác định được đơn giá đền bù cho 2 doanh nghiệp, trách nhiệm này thuộc Sở TN-MT. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, đặc biệt Sở TN-MT rà soát báo cáo UBND TP thống nhất cách tính để quận Tân Phú có cơ sở làm việc với 2 doanh nghiệp bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: dự án chậm là do lăn tăn tính pháp lý về đơn giá áp bồi thường, hỗ trợ cho hai doanh nghiệp chưa được giải quyết. Việc này chậm, trách nhiệm thuộc về Sở TN-MT khi tham mưu, trình văn bản không nói rõ mục đích mà cứ lòng vòng nên các bộ, ngành cũng trả lời chung chung. Trong khi đó, mục đích chính là tính pháp lý và đơn giá đền bù bao nhiêu để áp giá bồi thường cho 2 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Tân Bình. Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở TN-MT chủ động rà soát, làm rõ tính pháp lý để xử lý, vì đây là thẩm quyền của TP.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho rằng, dự án chậm chỉ vì thủ tục cứ đẩy qua, đẩy lại như quả bóng. Áp giá như thế nào, Sở TN-MT bàn chính thức với các đơn vị liên quan và có văn bản tham mưu UBND TP xử lý. Sở cần đi thực tế nắm bắt tình hình để xử lý công việc, chứ không chỉ quản lý trên hồ sơ như xưa nay, khẩn trương tháo gỡ cho dự án trước kỳ họp HĐND sắp tới.
Quận Tân Phú cũng phải chủ động rà soát các qui định pháp luật để tham mưu xây dựng phương án bồi thường như thế nào để dự án sớm triển khai, chứ không thể ngồi chờ kiểu hành chính thì không biết khi nào mới giải quyết được. Các sở ngành cần tích cực, căn cứ đúng pháp luật, làm hết sức thì công việc mới trôi chảy được.
Tin cùng chuyên mục

Đường sắt chạy thêm nhiều tàu trong dịp nghỉ lễ 2-9

Trải nghiệm cùng Waterbus

Giá cước vận tải giảm... từ từ

Cấm ô tô tải, xe khách trên 16 chỗ lưu thông qua cầu Bình Phước 1

Cuối năm 2023 sẽ hoàn thành dự án xây dựng cầu Long Kiểng

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.600 xe bị lỗi ETC khi qua trạm An Sương – An Lạc

Kiến nghị UBND TPHCM hủy kết quả trúng đấu giá các khu đất Thủ Thiêm

Thành lập thị trấn Bình Phú (Tiền Giang) và thị xã Chơn Thành (Bình Phước)

Giải pháp cho tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51
