Cấp thiết tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ​

Phần lớn các chỉ số đều có cải thiện nhất định so với trước. Tuy vậy, một số chỉ số chỉ cải thiện ở mức quá nhỏ so với cải cách ở các nước khác; nên không tăng được thứ hạng cũng như điểm số so với nền kinh tế tốt nhất.

Sáng 19-8, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố báo cáo nghiên cứu về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2015-2020. 

Trình bày báo cáo, TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, 6 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (gồm các nghị quyết số 19 các năm 2014 và 2015 và các nghị quyết số 02 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021) được ban hành đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhìn chung, chương trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã huy động được toàn bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền.

Không chỉ vị trí của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng toàn cầu đã tăng lên; mà quan trọng hơn là hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ; hàng ngàn điều kiện khác đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, kết quả cải cách chưa đồng đều. Cải cách theo hệ quy chiếu của Ngân hàng Thế giới (Doing Business – DoB) có kết quả rõ nét hơn so với các bảng xếp hạng khác. Phần lớn các chỉ số đều có cải thiện nhất định so với trước.

Tuy vậy, một số chỉ số chỉ cải thiện ở mức quá nhỏ so với cải cách ở các nước khác; nên không tăng được thứ hạng cũng như điểm số so với nền kinh tế tốt nhất.

Về thứ hạng, có 5 chỉ số cải thiện được vị trí; trong đó, nổi bật hơn cả là tiếp cận điện năm 2020 xếp thứ 27, tăng 108 bậc, nộp thuế tăng 64 bậc từ 173 lên 104; bảo vệ nhà đầu tư tăng 20 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 11 bậc và khởi sự kinh doanh tăng 10 bậc.

Thứ hạng giảm nhiều nhất là đăng ký tài sản, giảm 31 bậc, tiếp đến là là thương mại qua biên giới, giảm 29 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 21 bậc.

Các chỉ số có cải thiện về thứ hạng cũng có cải thiện về khoảng cách đến nền kinh tế tốt nhất. Tiếp cận điện năng chỉ còn 11,8 điểm nữa là đến trường hợp tốt nhất trong nền kinh tế thế giới; tiến được 24,82 điểm so với năm 2015; tiếp theo là nộp thuế tiến thêm được 26,39 điểm.

Khởi sự kinh doanh, tiếp cận tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư cũng rút ngắn được khoảng cách so với trường hợp tốt nhất. Trong khi đó, đăng ký tài sản tụt lại nhiều nhất gần 10,5 điểm. Đặc biệt, khoảng cách của chỉ số phá sản doanh nghiệp đến trường hợp tốt nhất còn quá xa, tới 62 điểm.

Cấp thiết tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh ​ ảnh 1 Tiếp cận điện năng là chỉ số chỉ còn 11,8 điểm nữa là đến trường hợp tốt nhất trong nền kinh tế thế giới

Với những thay đổi về chỉ số thành phần như trình bày trên đây, môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn chung có cải thiện cả về thứ hạng và điểm số.

So với 2015, năm 2020 tăng được 20 bậc, từ 90 lên 70; và tăng được 7,8 điểm. Có cải cách rất mạnh mẽ và đạt được kết quả tốt như cải cách tiếp cận điện, nộp thuế. Hoàn toàn có thể cải cách đạt được kết quả tốt hơn nhiều trong khởi sự kinh doanh.

Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản là hai chỉ số bị tụt hạng và giảm điểm một cách đáng tiếc. Có nhiều nỗ lực đã thực hiện nhưng không trúng vào các vấn đề của hai chỉ số này. Cải cách thuế đã khá tốt nhưng vẫn có thể làm tốt hơn.

Tóm lại, kết quả đạt được trong thực hiện các Nghị quyết 19 và 02 là đáng khích lệ; nhưng có thể làm nhiều hơn, tốt hơn và đạt được kết quả cao hơn.

Tin cùng chuyên mục