Cấp thiết kiểm soát ô nhiễm không khí

Ngày 9-10, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Các số liệu cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí ở một số khu vực đang vượt ngưỡng an toàn.
Khí thải của phương tiện giao thông cá nhân góp phần làm không khí ô nhiễm. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khí thải của phương tiện giao thông cá nhân góp phần làm không khí ô nhiễm. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ô nhiễm vì bụi và tiếng ồn

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở TN-MT TPHCM, cho biết, 9 tháng qua, nồng độ các chất ô nhiễm không khí trên địa bàn TPHCM diễn biến khá phức tạp và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018. Bụi mịn và tiếng ồn từ hoạt động giao thông cũng được xác định là hai thành phần nồng độ ô nhiễm cao nhất. Cụ thể, 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Riêng từ ngày 18-9 đến ngày 25-9-2019, tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến xấu hơn. Nguyên nhân là thời điểm đó, trên địa bàn thành phố xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam đã làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm ở tầng thở, gây hại đến sức khỏe của người dân thành phố. Khu vực được xác định có nồng độ các chất ô nhiễm không khí cao là Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép. Cũng theo ông Sơn, việc thu thập số liệu quan trắc chất lượng không khí cũng như cảnh báo cho người dân có biện pháp đề phòng không thể sớm hơn được. Bởi thực tế quan trắc mà thành phố đang áp dụng là thủ công nên từ khi đo đạc đến phân tích mẫu và đưa ra kết luận cần có thời gian nhất định.

3 nguồn thải chính gây ô nhiễm tại TPHCM. Đồ họa: NGỌC TRÂM


Xác định nguồn thải để có giải pháp

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, Sở TN-MT đã đề nghị thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng liên quan. Theo đó, với hoạt động giao thông, cần tăng cường mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông, kết hợp với gia tăng hiệu quả hoạt động của vận tải hành khách công cộng, tuyến metro, tuyến đường trên cao nhằm giảm lượng xe cá nhân và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường. Còn với ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp, sở sẽ thực hiện kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ kết hợp tăng cường xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Với những nguồn thải lớn, sở đã buộc doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, đồng thời truyền số liệu quan trắc về sở để giám sát. Ngoài ra, Sở TN-MT phối hợp Sở GTVT, cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng.

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cũng gấp rút đẩy nhanh tiến độ đầu tư trạm quan trắc chất lượng môi trường của thành phố. Giải pháp là phải được thực hiện phân kỳ và có sự tham gia xã hội hóa. Hơn nữa, việc phân kỳ trong đầu tư cũng là cơ sở để hoàn thiện tốt hơn hạ tầng quan trắc chất lượng môi trường của thành phố. Dự kiến thời gian bắt đầu triển khai sớm nhất là năm 2020 và không thể hoàn thành sớm hơn trước năm 2030.

UBND TPHCM đã gấp rút phê duyệt đầu tư dự án xây dựng hạ tầng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường vào năm 2016 với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Theo đó, việc đầu tư dự án được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, từ năm 2016-2018, đầu tư 7 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định, 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai. Đồng thời, cải tạo nâng cấp 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và đầu tư thêm 3 trạm mới. Trong giai đoạn này cũng sẽ đầu tư trang thiết bị phòng kiểm chuẩn cho các thiết bị quan trắc tự động liên tục, nâng cấp hiện đại hóa phần phân tích tài nguyên và môi trường, hệ thống điều hành mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường nói chung.

Từ giai đoạn 2018-2020 sẽ đầu tư tiếp 8 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đầu tư thêm 10 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 5 trạm quan trắc lún mặt đất. Đặc biệt là đầu tư mạng lưới quan trắc giám sát môi trường nước thải đối với lưu lượng nguồn thải từ 1.000m3/ngày/đêm trở lên và xây dựng mới trạm điều hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau 2 năm phê duyệt, cấp vốn, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ.

Lý giải vấn đề này, ông Sơn cho biết, để triển khai dự án, cần thiết phải có 56 vị trí đất để lắp đặt trạm quan trắc. Tùy vào chức năng của trạm là quan trắc không khí, nước dưới đất hay độ lún đất mặt mà mỗi vị trí đất cần diện tích 28-80m2. Và đây chính là điểm nghẽn trong đầu tư dự án. Sau 2 năm gấp rút làm việc với nhiều cơ quan chức năng để xác định vị trí đặt trạm quan trắc nhưng đến nay vẫn còn thiếu 16 vị trí đất chưa thống nhất được.

Tin cùng chuyên mục