Cấp thiết kiểm soát khí thải xe máy

Tại TPHCM, hoạt động giao thông vận tải là lĩnh vực xả khí thải chỉ đứng sau các hoạt động sử dụng năng lượng trong công nghiệp, xây dựng (chiếm 45% tổng lượng phát thải) và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí hiện nay. 
Khí thải xe gắn máy gây ô nhiễm không khí. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khí thải xe gắn máy gây ô nhiễm không khí. Ảnh: THÀNH TRÍ

Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh giải pháp hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện công cộng, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TP triển khai đề án “Kiểm soát khí thải đối với xe máy”. 

Ngột ngạt 

Ghi nhận thực tế cho thấy, vào giờ cao điểm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn, hàng ngàn phương tiện nổ máy khiến cho không khí tại các khu vực này luôn ngột ngạt, bức bối. Mỗi lần dừng đèn đỏ hay kẹt xe, người đi đường… không chịu nổi hơi xăng, khói bụi, khí phát thải từ các loại phương tiện này. Không khó để bắt gặp hình ảnh các loại phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân sử dụng làm xe để chở hàng hóa. Những chiếc ba gác tự chế hay những chiếc xe máy không có biển số, trơ cả khung nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường, xả khói đen sì, mặc kệ người đi đường.

Theo Sở GTVT TPHCM, tốc độ gia tăng phương tiện xe cá nhân ngày càng cao. Tính đến hết tháng 8-2019, thành phố có gần 7,9 triệu phương tiện, trong đó hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy. Việc gia tăng các phương tiện cơ giới xả ra khí thải đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí do giao thông vận tải. 

Để giảm khí thải trong các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn, Sở GTVT TPHCM đã và đang phối hợp với Sở TN-MT TP cùng các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thí, điểm kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy tham gia giao thông. Sở GTVT cũng nêu rõ đề án sẽ có nhiều nội dung, như xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy cũng như các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện. Đáng chú ý, với những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ có các biện pháp như thu hồi, phân vùng những xe đạt chuẩn khí thải lưu thông... Ngoài ra, trong việc kiểm soát, Sở GTVT cho biết sẽ xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải.

Không thể chậm hơn nữa

Với tốc độ tăng xe máy trên địa bàn TPHCM 10%-15%/năm, mức gây ô nhiễm môi trường càng nặng nề hơn. Cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng, cũ nát, có chất lượng khí thải kém dần..., tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Lượng xe máy chiếm 95% phương tiện giao thông, chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng nhưng lại thải ra 94% khí HC, 87% CO và 57% NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. 

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu để tạo ra sự chuyển động, quá trình đốt cháy nhiên liệu này đã dẫn tới phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí khác nhau... Bên cạnh đó, còn kéo theo sự hình thành bụi do đất cát bị cuốn bay lên từ mặt đường phố mất vệ sinh trong quá trình di chuyển. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là ô tô và xe máy cùng với chất lượng các tuyến đường chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng nhiên liệu sử dụng còn thấp là những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường không khí. Việc triển khai giải pháp kiểm soát khí thải xe máy là một trong những giải pháp cụ thể nhất để hạn chế việc xả thải.

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN-MT TPHCM, nhìn nhận, ô nhiễm môi trường do phát thải từ phương tiện giao thông đang trở thành vấn đề đáng báo động, đe dọa chất lượng cuộc sống người dân tại các đô thị lớn, đặc biệt như TPHCM. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. 

Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí phát thải. Đối với việc giảm khí thải trong hoạt động giao thông thì giải pháp kiểm soát khí thải xe máy cần phải được tiến hành ngay. Song song với đó là việc phát triển phương tiện công cộng và kêu gọi sử dụng năng lượng sạch. Giải quyết được 3 yếu tố này, thành phố sẽ có hy vọng giảm được ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Đồng quan điểm này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, cũng cho biết, bên cạnh các giải pháp hạn chế xe cá nhân, sử dụng nhiên liệu sạch…, TPHCM cần cấp bách triển khai việc kiểm soát khí thải xe máy.

Tin cùng chuyên mục