Cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp


GDP quý 1 năm nay tăng rất thấp (3,82%), chỉ nhỉnh hơn so với quý thấp nhất ở giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới, là quý 1-2009 (tăng 3,1%). Tuy vậy, khác với quý 1-2009, xu hướng giảm tốc của quý 1 năm nay đến từ cả 3 cấu thành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ (năm 2009 dịch vụ vẫn tăng tương đối cao). Đây là điều đáng lo ngại, dự báo tăng trưởng sẽ còn thấp hơn nữa trong quý 2 khi mà nhiều khó khăn của doanh nghiệp (DN) chưa được tháo gỡ kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và phát triển Công ty Chứng khoán SSI, nhận định, trong quý 2, các ngành chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong GDP như điện tử, nông nghiệp, bán lẻ, xây dựng, khai khoáng sẽ ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19. Riêng dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng vẫn tăng trưởng tương đối cao do năm nay cả tài khóa lẫn tiền tệ đều phải tích cực hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế. “6 ngành lớn nhất đóng góp vào tỷ trọng GDP nêu trên hầu hết sẽ giảm tốc hoặc tăng trưởng âm do dịch bệnh và những tác động khách quan khác. Nông nghiệp, khai khoáng, lưu trú ăn uống và vận tải kho bãi gần như chắc chắn tăng trưởng âm trong quý 2”, ông Linh nhận định.

Khó khăn không chỉ là câu chuyện ngắn hạn trong quý 2. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định rằng cuộc chiến chống suy giảm kinh tế chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và suy thoái toàn cầu. 

Trong 3 tháng đầu năm có gần 35.000 DN dừng hoạt động - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu sau hàng thập niên, số lượng DN giải thể lớn hơn số đăng ký thành lập mới. Theo kết quả khảo sát nhanh do VCCI thực hiện cuối tháng 3 và đầu tháng 4, gần 85% DN cho biết dịch Covid-19 làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; gần 60% DN thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; trên 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu; khoảng 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. Cùng với đó, 82% DN cho biết doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm so với năm 2019; 30% DN dự báo doanh thu có thể giảm 30%-50% và 22% DN sẽ giảm trên 50%. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ có gần 30% DN duy trì hoạt động không quá 3 tháng; khoảng 50% DN chỉ trụ được nửa năm; trên 75% DN phải thu hẹp quy mô lao động…

Những con số nêu trên cho thấy, trong bối cảnh quyết liệt chống dịch như chống giặc, thì cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng phải khẩn trương, quyết liệt hơn. Bởi, nhiều gói hỗ trợ vẫn đang chỉ là chủ trương chứ chưa vào thực tiễn. Theo kiến nghị của VCCI, bên cạnh giãn, hoãn nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, thì cần có chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này; giảm lãi suất thêm 2%-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu xuống còn 4%-5% đối với khoản vay VND và 2%-3% với khoản vay USD cho từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng; tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020; không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021…

Xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau Covid-19 có thể sẽ là chuyển đổi số và robot hóa; trong khi giao dịch trực tuyến, kinh tế trực tuyến sẽ lên ngôi… Tác động cộng hưởng của công nghệ, chiến tranh thương mại và hệ lụy của dịch Covid-19 sẽ làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu có nhiều gam màu mới. Nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong chiến lược đầu tư phi tập trung, tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng và cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp, nhất là các ngành dệt may, da giày, điện tử - các cỗ máy tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế. 

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, chưa kể 5 triệu hộ kinh doanh - xét về bản chất cũng là DN nhỏ và siêu nhỏ. Thế nên, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trước mắt là hết sức cấp thiết. Các gói hỗ trợ đúng, trúng càng được triển khai sớm càng gia tăng hơn cơ hội sống sót, trụ vững của DN trong thời điểm khó khăn này. Nếu các giải pháp hỗ trợ không được triển khai kịp thời, tăng trưởng GDP sẽ thấp không chỉ ở quý 2, mà còn có thể ở cả năm nay.

Tin cùng chuyên mục